May 12, 2011

Lá Thư Mùa Phật Đản



Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni,
Kính thưa thiện hữu tri thức, nhân sĩ và quý Phật tử xa gần,
Cứ mọi độ tháng Vesak của Ấn Độ, trời đất ấm áp, vạn vật sinh sôi nảy nở, cũng là lúc hàng triệu người con Phật trên khắp năm châu bốn bể hân hoan, kính mừng ngày Đản Sanh của Đức Từ Phụ. Sự ra đời của Ngài vì bản hoài cứu độ chúng sanh, đem lại an lạc, hoà bình cho thế giới:
Này các Tỳ kheo, có một người xuất hiện ở đời, xuất hiện vì an lạc của số đông, xuất hiện vì lòng thương tưởng đời, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người. Người ấy là ai? Đó là Như Lai, bậc A La Hán, Chánh Dẳng Giác.”[1]
Thật vậy, cuộc đời của Ngài chính là minh chứng hùng hồn cho lời tuyên bố ấy. Trải qua 49 năm du hoá khắp cõi Bắc Ấn, bằng những lời dạy đầy nhân bản, trí tuệ và từ bi, Ngài đã đem lại sự an lạc cho vô số trời người, thiết lập sự bình đẳng xã hội, mang đến những giá trị đạo đức cao thượng và hoà bình cho nhân loại.
Đức Phật là hiện thân của hòa bình; đặc trưng giáo Pháp của Ngài là chân lý về Bất bạo động đối với vạn vật sinh linh. Cuộc đời của Thế Tôn hài hòa, gắn liền với thiên nhiên. Ngài Đản Sanh dưới cây Vô Ưu, chứng sơ thiền dưới cây Diêm-phù-đề khi còn niên thiếu, tu khổ hạnh 6 năm dưới những tán cây rừng, Thành Đạo dưới cội Bồ-đề, an cư 22 năm tại tinh xá Rừng Trúc và 24 năm tại tinh xá vườn cây Kỳ-đà và cuối cùng nhập Niết Bàn dưới rừng cây Ta La. Giáo Pháp của Ngài là giáo lý của Bất bạo động (ahiṃsā) khi những lời dạy ấy, nếu được thực hành sẽ đem lại nội tâm an bình, định tĩnh. Giáo Pháp ấy khuyên hành giả thực hành mọi ngôn từ và hành xử không tổn hại đến sinh linh, môi trường, dù là hành động nhỏ nhất như bẻ cành hay vứt những thức ăn thừa lên thảm cỏ. Ngài khuyên đệ tử phải mang đãy lọc nước bên mình để lọc những sinh vật nhỏ bé trước khi uống; hay trước khi bước chân đi phải niệm chú hầu duy trì chánh niệm tránh không giẫm đạp sinh vật hoặc nếu lỡ giẫm đạp thì cầu nguyện chúng sanh ấy được sanh về thế giới an lành.
Tiếp nối những lời dạy minh triết của Ngài, chư lịch đại Tổ Sư đã đưa đạo Phật thích ứng với lịch sử và xã hội của từng xứ sở và tích cực xây dựng các xứ sở đó. Tăng sĩ giữ vai trò quan trọng của bậc mô phạm đối với vua chúa cũng như dân chúng. Dưới triều đại Ashoka của Ấn Độ, Đường ở Trung Hoa, Nại Lương ở Nhật Bản, Lý-Trần ở Việt Nam, Đạo Phật đã bước vào thời kỳ cực thịnh và có những đóng góp vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực từ tư tưởng, tâm linh đến văn hóa, văn học, đời sống xã hội, v.v.
Thưa quý vị,
Từ những năm đầu của thế kỷ 21 đến nay, thế giới chúng ta đã và đang chịu nhiêu tai ách, thảm họa từ thiên tai, động đất, sóng thần, chiến tranh, khủng bố, bạo hành,… xảy ra khắp nơi. Điều đó chứng tỏ hành tinh chúng ta đang sống có nhiều điều bất an mà trong đó đa phần là do tâm lý, hành vi của con người được sai sử bởi lòng vị kỷ, tham dục gây ra. Chúng ta đã phóng chiếu những độc tố tham lam, sân hận, si mê, hành vi vị ngã lên môi trường và ngay cả với đồng loại của mình.
Vừa rồi, cả nhân loại không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến thảm họa xảy ra với nhân dân Nhật Bản. Những con sóng thần cao hơn 10 m, kèm theo động đất mạnh 9 độ ritcher tàn phá thành phố, làng mạc, cướp đi sinh mạng của hơn 26 ngàn người, thiệt hại ít nhất 200 tỷ Mỹ kim đã để lại nỗi đau thương, tang tóc cho dân Nhật và thương tâm cho cả nhân loại. Những thảm họa ấy nhắc nhở chúng ta rằng bà mẹ Trái Đất đang kiệt quệ, quằn quại đau đớn mà phần lớn là do những đứa con của mình ngày đêm ra sức bóc lột, khai thác tài nguyên, thải một cách vô tội vạ thán khí vào môi trường. Mặt khác, tình trạng bạo lực, chiến tranh xảy ra tại Bắc Phi, Trung Đông và khắp nơi do nạn lạm quyền, độc tài khiến người dân tại những nơi đó lầm than, đau khổ. Trong khi đó, một tỷ người trên khắp hành tinh đã, đang và có nguy cơ bị thiếu đói…
Vì thế, hơn bao giờ hết, bức thông điệp Từ Bi, Trí Tuệ, Bất Bạo Động của Đức Phật cần phải được soi sáng và thực thi trong từng gia đình và mỗi cá nhân. Mỗi người cần phải trở về với chính mình, soi sáng, nhận diện và chuyển hóa mọi khổ đau. Đồng thời, chúng ta gởi những năng lượng yêu thương và trí tuệ cho người thân và xã hội, tích cực xây dựng một thế giới vắng bóng hận thù, ích kỷ, ngập tràn an lạc. Chúng ta cần thực hiện tinh thần tri túc và bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ nhất như cúp những bóng điện không cần thiết, tiết kiệm việc sử dụng nước, nhặt rác thải, trồng nhiều cây xanh xung quanh mình,v.v.
Cầu nguyện hương linh của những nạn nhân trong các thảm họa sanh về cảnh giới an lành. Ước mong Qúy vị, và tất cả chúng sanh sống an bình và hạnh phúc trong ánh hào quang Từ Bi và Trí Tuệ của đức Từ Phụ nhân mùa Đản Sanh của Ngài.



[1] Kinh Tăng Chi I, Hội Kinh Tạng Pāli, London, 1989, tr. 14-15.
-->Đọc thêm...

March 18, 2011

Khánh thành tượng Phật cao nhất Ấn Độ



Hôm 16-03, tại Thai Buddha vihar, Varanasi, tôn tượng Đức Phật cao nhất Ấn Độ đã được khánh thành.Buổi lễ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm với cuộc diễu hành của chư Tăng, Phật tử hòa cùng âm điệu âm nhạc truyền thống  của hai nước Thái Lan và Ấn Độ.
Cựu thủ tướng Thái Surayud Chunalot và cựu quản trị viên của Lord Abbot Wat Dharma Suthi đã làm lễ vén màn tôn tượng. Sau lễ tụng kinh gia trì của chư Tăng, Cựu thủ tướng Thái phát biểu: “Tôi cho rằng Ấn Độ là thành trì văn minh cổ đại và (việc khánh thành) tôn tượng Đức Phật đứng này sẽ nuôi dưỡng sự hiểu biết hơn nữa và trao đổi tình hữu nghị giữa hai dân tộc.”
Ông cũng cho rằng việc khánh thành tôn tượng sẽ thúc đẩy hơn nữa sự thắt chặt lịch sử của hai quốc gia bên cạnh việc đẩy mạnh giao lưu văn hóa.
Được biết, tôn tượng Đức Phật đứng bằng sa thạch này cao 80 feet (khoảng 24 m) tọa lạc trong khuôn viên rộng 2.5 mẫu Anh (hơn 1 ha) của Thai Buddha Vihar, Sarnath, được cho là cao nhất tại Ấn hiện nay.



Ý tưởng về việc xây dựng tôn tượng tại nơi Đức Phật chuyển Pháp Luân đầu tiên này đã được hình thành từ năm 1970, nhưng mãi đến năm  1997, công trình mới được tiến hành. Công trình đã bị gián đoạn 3 năm do thiếu hụt tài chính, tổng kinh phí của công trình là 2 crore Rupees (khoảng nửa triệu Mỹ kim).
Nghệ thuật, kiến trúc tôn tượng được mô phỏng theo tượng Phật đứng được tạc vào thế kỷ thứ IV CE, thuộc trường phái Mathura.

Tượng Phật đứng thuộc trường phái Mathura, thế kỷ IV CE

Tưởng cũng cần nói thêm là, nếu theo sự ghi chép trong kinh điển thì tượng  Phật đầu tiên đã có từ thời Đức Phật còn tại thế. Theo truyền thuyết,  trong thời gian Đức Phật lên cung trời Đao-lợi thuyết pháp, “buồn rầu vì sự vắng mặt của Ngài, đức vua Udayana đặt làm một bức tượng từ gỗ đàn hương, mà ông tặng cho Đức Phật khi Ngài trở về”. Nếu còn thì đó là pho tượng Phật đầu tiên trong lịch sử tạo hình Phật giáo, tuy vậy, khi về lại trần gian, Đức Phật không chấp nhận nó. 
Do truyền thuyết Đức Phật không chấp nhận tượng Phật bằng gỗ đàn hương của vua Udayana mà mà tình trạng không có tượng Phật kéo dài đến thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Trong thời kỳ này, hình thức thờ phượng chủ yếu là tháp (stūpa) và những biểu tượng. Từ thế kỷ thứ I BCE,  thì tượng Phật trong hình dáng con người mới bắt đầu xuất hiện. Tượng Phật từ đó đã trở thành trọng tâm tín ngưỡng với hai trường phái tạo hình tượng Phật sớm nhất là Mathura, tọa lạc tại Trung Ấn, và Gandhara, nay thuộc Pakistan và Afganistan.

Tượng Phật thuộc trường phái Gandhara

Trường phái Gandhara điêu khắc hình tượng của Đức Phật bằng những nét thanh tú, rất gần với những vị thần của Hi Lạp với cách choàng y sống động theo truyền thống Hi-La, tóc gợn sóng và bó thành búi. Trong khi đó, trường phái Mathura khắc hoạ hình dáng đức Phật gần với những vị thần thánh thuộc văn hoá bản địa Ấn, tròn trịa, sung túc, với tóc cuộn xoắn, y hở vai phải và phủ kín những thân phần dưới. Dưới triều đại Gupta (320-550 CE), phong cách tượng của trường phái Mathura được tinh lọc lại với những nét mạnh mẽ, tinh tế và trơn nhẵn.

Tượng Phật chuyển Pháp Luân, trường phái Mathura, dưới triêu Gupta

Các nhà khảo cổ cho rằng, những tượng Phật đầu tiên thuộc về trường phái Mathura. Về mặt khảo cổ,  ảnh tượng đầu tiên của Đức Phật được tìm thấy trên đồng tiền, niên đại 100 CE, dưới triều đại vua Kanishka (Ca-nị-sắc-ca). Đồng tiền này mô tả Đức Phật trong tư thế đứng, được khắc chạm theo trường phái Gandhara, bên cạnh là chữ “Boddo”, thuộc ngôn ngữ Bactria.
Việc khánh thành tượng Phật cao nhất Ấn Độ mang đậm phong cách bản địa Ấn này chắc chắn sẽ  tạo thêm sự thiêng liêng, sống động tại nơi Thánh địa lần đầu tiên Đức Phật chuyển Pháp Luân.

Đồng tiền niên đại TK I CE, triều vua Kaniska







-->Đọc thêm...

February 12, 2011

Đức Karmapa 17 được trả lại sự trong sạch



Chính quyền bang Himachal Pradesh, Ấn Độ, hôm qua, 11-02-2011, đã trả lại sự trong sạch cho Đức Karmapa sau khi nghi Ngài là gián điệp của chính quyền Trung Quốc.


Câu chuyện được bắt đầu từ nửa tháng trước, cảnh sát đã phát hiện tại tu viện Ngài đang tịnh tu, tu viện Gyuto Tantric , Dharamsala, số tiền lớn gồm nhiều ngoại tệ khác nhau lên đến 8 crore Rupees, tương đương 1.8 triệu Mỹ kim. Đặc biệt, trong số ngoại tệ này có đồng Nhân Dân tệ của Trung Quốc chiếm 2.6 crore.  Từ việc phát hiện này cộng với mối lo ngại vốn có từ lâu là Ngài dính líu đến chính quyền Bắc Kinh, nên cảnh sát bang Himachal Pradesh đã tịch thu số tiền trên và cho đóng băng tất cả tài khoản của các quỹ do Đức Karmapa đứng đầu để tiến hành điều tra.
Chính quyền bang Himachal Pradesh nghi ngờ rằng Bắc Kinh tài trợ cho Đức Karmapa để Ngài xây dựng các tu viện dọc theo biên giới Trung-Ấn, trải dài từ Ladakh đến Anuchal Pradesh hầu làm gián điệp giúp họ kiểm soát khu vực này. Họ cũng nghi ngờ cả việc Ngài đào thoát khỏi Tây Tạng rồi đến Dharamsala năm 2000 là có sự “sắp xếp” của chính quyền Bắc Kinh.
Đức Dalai Lama sau đó cho rằng số tiền này do Phật tử khắp nơi trên thế giới hiến cúng, và trong số đó có đồng Nhân Dân tệ là do Ngài Karmapa có nhiều đệ tử người Hoa.
Văn phòng Ngài Karmapa cũng khẳng định số tiền này do các đệ tử của Ngài hiến cúng để xây dựng các tu viện tại Dharamsala.
Sau đó, một loạt các cuộc tuần hành và đốt nến cầu nguyện ủng hộ Đức Karmapa đã diễn ra khắp những nơi có cộng đồng người Tạng sinh sống tại Ấn Độ.
Đức Karmapa sau đó xuất hiện trước người ủng hộ và bảo họ đừng lo lắng vì Ấn Độ là đất nước tự do, có Luật Pháp rõ ràng, Ngài cũng chấp thuận theo sự điều tra của họ.
Và hôm qua, sau hơn nửa tháng điều tra, chính quyền bang Himachal Pradesh đã trả lại sự minh bạch cho Ngài. Bà Rajwant Sandhu, tổng thư ký của bang, tuyên bố: “Đức Karmapa là vị lãnh đạo tinh thần đáng kính của cộng đồng Phật giáo và chính quyền không có ý định can thiệp vào cộng việc việc của họ.” “Đã không có bất cứ hành động nào chống lại đức Karmapa và không có lý do nào để tin rằng Ngài có sự liên hệ (với chính quyền Trung Quốc) từ số ngoại tệ hơn 8 crore”, bà nói thêm.
Quả thật, đây là tin mừng của cộng đồng ngươi Tây Tạng nói riêng, và cộng đồng Phật giáo khắp nơi trên thế giới nói chung.
Tưởng cũng cần nhắc lại là dòng Karmapa là một nhánh của đại phái Kagyudpa (Ca Nhĩ Cư) với vị Karmapa nổi tiếng đầu tiên là Karmapa Dsum Khyenpa (1110-1193)  và các hoá thân được tiếp nối đến Ngài Urgyen Trinley Dorje là vị thứ 17. Tháng 01-2011 vừa rồi, cộng đồng Phật giáo Tây Tạng đã tổ chức đại lễ tại Bồ Đề Đạo Tràng để tưởng niệm tròn 900 năm từ Ngài Karmapa đệ nhất.
Đức Karmapa 17 sinh năm 1985. Ngài được làm lễ Quán Đảnh, chính thức được Đức Dalai Lama và cộng đồng người Tạng công nhận là hoá thân thứ 17 của dòng Karmapa vào ngày 27-09-1992 , tại tu viện Tolung Surphu. Ngài, sau đó, được đào tạo bài bản để lãnh đạo giáo phái.
Vào ngày 28-12-1999, bất mãn trước sự ngang ngược của chính quyền Trung Quốc,  Ngài đã đào thoát khỏi Tây Tạng và đến được Dharamsala, thủ đô tỵ nạn của cộng đồng người Tạng tại Ấn Độ,  sau hơn một tuần băng rừng, trèo đèo lội suối.


Từ đó đến nay, Ngài hưởng quy chế tỵ nạn và được sự bảo vệ an ninh của chính phủ Ấn. Ngài hiện là nhà lãnh đạo tinh thần đứng thứ 2, sau Đức Dalai Lama, của cộng đồng người Tây Tạng.
Việc trả lại sự thanh bạch cho Ngài đã làm cộng đồng người Tây Tạng nức lòng bởi không có gì bất mãn bằng những người đứng đầu trong một tổ chức làm gián điệp cho một quốc gia khác. Người Đài Loan mới đây đã thật sự bất mãn khi một viên tướng cao cấp xứ Đài, thiếu tướng La Hiền Triết-chỉ huy trưởng Cục Thông tin điện tử thuộc Bộ Chỉ Huy nước này, đã  bị cáo buộc làm tình báo cho Trung Quốc, sau khi bị mua chuộc cả tiền bạc lẫn “mỹ nhân kế” từ năm 2004.
Sau sự kiện này, chính phủ Ấn Độ củng cố hơn niềm tin nơi Đức Karmapa và cộng đồng người Tây Tạng càng hoan hỷ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ngài.

-->Đọc thêm...

December 10, 2010

The modern Anāthapindikas - Các ông Cấp Cô Độc thời hiện đại

 nhà sáng lập mạng xã hội Facebook: Mark Zuckerberg
Hôm nay, 10/12, nhiều tờ báo phươnng Tây cùng loan tải sự kiện 17 tỷ phú tuyên bố hiến nửa tài sản của mình cho hội Cam Kết Hiến Tặng (the Giving Pledge). Tờ The Guardian của Anh cho hay, các tỷ phú này là Steve Case, nhà đồng sáng lập mạng giao dịch trực tuyến AOL; nhà tư bản tài chính Carl Icahn và Micheal Milken, cựu ủy viên hội đồng quản trị Phố Wall; Joe Mansueto, ông chủ của tập đoàn đầu tư Morningstar; thương gia Nocolas Berggruen; nhà đầu tư tư nhân Ted Forstmann; ...đặc biệt, hai nhà tỷ phú trẻ đồng sáng lập mạng xã hội Facebook là Mark Zuckerberg và Dustin Moskovitz .
Ông chủ sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, 26 tuổi, hồi tháng 9, đã tặng 100 triệu USD cho các trường công lập của Newark, bang New Jersey, Mỹ. Chàng trai hào phóng này hiện sở hữu tài sản riêng trị giá 6.9 tỷ USD. Như vậy, số tiền anh sẽ tặng cho hội Cam Kết Hiến Tặng là khoảng 3.5 tỷ USD.
Với việc 17 tỷ phú gia nhập hội Cam Kết Hiến Tặng này đã nâng con số hội viên lên 57 thành viên cá nhân hoặc gia đình.
Hội Cam Kết Hiến Tặng (The Giving Pledge) được thành lập tháng 6 năm nay do ông trùm chứng khoán Warren Buffett và vua phần mềm Bill Gates khởi xướng. Ông Gates, cùng với vợ là Melinda và Buffett đã mời gọi các tỉ phú Mỹ hiến tặng ít nhất 50% số tài sản của họ khi đang sống hoặc sau khi qua đời, đồng thời công khai nói rõ mục đích của họ bằng một lá thư giải thích quyết định đó. Cho đến nay, chỉ sau 5 tháng, đã có 57 tỷ phú hào phóng tham gia. Trong danh sách này còn có cả thị trưởng New York Michael Bloomberg, sáng lập viên hãng thông tấn CNN Ted Turner và đạo diễn gạo cội Hollywood George Lucas. Danh sách[1]  của 57 thành viên hội này như sau:
PAUL G. ALLEN
LAURA AND JOHN ARNOLD
NICOLAS BERGGRUEN
MICHAEL R. BLOOMBERG
ELI AND EDYTHE BROAD
WARREN BUFFETT
JEAN AND STEVE CASE
MICHELE CHAN AND PATRICK SOON-SHIONG
LEE AND TOBY COOPERMAN
BARRY DILLER AND DIANE VON FURSTENBERG
ANN AND JOHN DOERR
LARRY ELLISON
TED FORSTMANN
BILL AND MELINDA GATES
DAVID AND BARBARA GREEN
LYDA HILL
BARRON HILTON
JON AND KAREN HUNTSMAN
CARL ICAHN
JOAN AND IRWIN JACOBS
GEORGE B. KAISER
SIDNEY KIMMEL
ELAINE AND KEN LANGONE
GERRY AND MARGUERITE LENFEST
LORRY I. LOKEY
GEORGE LUCAS
DUNCAN AND NANCY MACMILLAN
ALFRED E. MANN
JOE AND RIKA MANSUETO
BERNIE AND BILLI MARCUS
MICHAEL AND LORI MILKEN
GEORGE P. MITCHELL
THOMAS S. MONAGHAN
TASHIA AND JOHN MORGRIDGE
DUSTIN MOSKOVITZ
PIERRE AND PAM OMIDYAR
BERNARD AND BARBRO OSHER
RONALD O. PERELMAN
PETER G. PETERSON
T. BOONE PICKENS
JULIAN H. ROBERTSON, JR.
DAVID ROCKEFELLER
DAVID M. RUBENSTEIN
HERB AND MARION SANDLER
DENNY SANFORD
VICKI AND ROGER SANT
WALTER SCOTT, JR.
TOM AND CINDY SECUNDA
JIM AND MARILYN SIMONS
JEFF SKOLL
TOM STEYER AND KAT TAYLOR
JIM AND VIRGINIA STOWERS
TED TURNER
SANFORD AND JOAN WEILL
SHELBY WHITE
CHARLES ZEGAR AND MERRYL SNOW ZEGAR
MARK ZUCKERBERG
Tất cả các tỷ phú này đều cam kết hiến tặng ít nhất 50% tài sản của họ. Tài khoản của quỹ sẽ phục vụ cho hoạt động nhân đạo, từ thiện. Tất cả họ đều rất hạnh phúc theo đuổi mục đích này. Mở đầu bức thư cam kết, ông Warren Buffett chia sẻ: “Trong năm 2006, tôi đã thực hiện cam kết sẽ hiến tất cả cổ phần Berkshire Hatthaway cho những tổ chức từ thiện. Tôi cảm thấy không  gì hạnh phúc hơn bằng quyết định đó…”. Ông Buffett đã cam kết hiến 99% tài sản của mình cho quỹ Bill Gates. Vợ chồng Bill Gates cũng hiến 28 tỷ USD cho quỹ này.


Ông trùm chứng khoán Warren Buffett
Vợ chồng tỷ phú Bill Gates
Đợt này , nhà tỷ phú trẻ Mark Zuckerberg đã gây tiếng vang lớn trong giới truyền thông và giới trẻ đang vươn lên làm giàu từ công nghệ mới. Họ không chỉ ngưỡng mộ anh là người hái tiền từ đầu óc nhạy bén về truyền thông bằng việc lập ra mạng xã hội Facebook có ảnh hưởng đến đa phần người sử dụng internet mà còn ngưỡng mộ anh ở tấm lòng nhân ái bao la. Anh phát biểu: “Nhiều người cứ phải chờ đến khi gần đất xa trời mới chịu cho đi chút ít tài sản. Nhưng tại sao phải đợi trong khi có rất nhiều điều cần đến sự giúp sức của chúng ta?”…cơ hội lớn cho nhiều người trong chúng ta hiến tặng sớm hơn trong cuộc sống và nhìn thấy tác động của những nỗ lực nhân ái đó[2].
Sự kiện các nhà tỷ phú hào phóng hiến tặng phần lớn tài sản của mình gợi chúng ta nhớ đến trưởng giả Sudatta, một thương gia giàu có bậc nhất tại thành Sravasthi, vương quốc Kosala, trị vì bởi vua Pasenadi, người đồng thời với Đức Phật. Thấm nhuần giáo lý từ bi, vị tha của đức Phật, ông Sudatta chuyên tâm lo các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo khó, không nơi nương tựa,  bên vực, che chở cho họ với tình thương bao la, rộng mở. Chính vì cảm kích trước tấm lòng hào phóng của ông nên người dân tôn xưng ông là Cấp Cô Độc (Anāthapindika), nghĩa là vị Cấp dưỡng cho kẻ nghèo khó, người Cô Độc. Ông phát tâm hiến cúng tinh xá Kỳ Viên, cúng dường các y phục, thực phẩm, thuốc men cho bất cứ Tăng Ni nào đến thành Xá-vệ. Gia đình ông là gia đình đạo đức, mẫu mực, được từ vua quan đến thứ dân đều kính mến. Từ sự tương quan này, chúng ta có thể gọi các nhà tỷ phú hào phóng trên là các vị Cấp Cô Độc thời hiện đại.
Việc các nhà tỷ phú sau khi hiến tặng tài sản đều cảm thấy rất hạnh phúc, mà đại diện là lời phát biểu của ông Warren Buffett và anh Mark Zuckerberg như trên, đã chứng minh nguyên tắc “the secret of happiness is in service to others” (bí mật của hạnh phúc chính là phục vụ người khác).  Theo đó, ở đỉnh cao của sự giàu sang và quyền lực, họ vẫn không tìm được hạnh phúc đích thực nếu không biết ban rải, mở rộng tâm hồn, quan tâm chia sẻ người khác. Họ đã tìm được hạnh phúc trong sự bố thí và phần nào nhận ra hạnh phúc đích thực nằm ở sự  an tịnh tâm hồn bằng việc phát triển tình thương, chứ không nằm ở vật chất tạm bợ như lời hai câu thơ chuyên chở giáo lý Đức Phật:
“Cuối đường danh lợi: hai tay trắng
Sau cuộc ân tình: nấm mộ hoang
Tại đây, cũng cần nhận xét trên phương diện văn hóa Đông-Tây: trong khi văn hóa phương Đông luôn tích trữ của cải theo phương thức “cha truyền con nối” thì văn hóa phương Tây luôn cống hiến, cho đi những gì mình đã nhận từ xã hội.
Việc các tỷ phú nối nhau ghi danh vào danh sách Cam Kết Hiến Tặng cũng khiến chúng ta suy nghĩ nếu tại các quốc gia nặng nề tham nhũng, các quan chức không cần cam kết hiến tặng gì cả, chỉ cần cam kết vào danh sách Phi Tham Nhũng (Non-Corruption List) thì dân chúng ở quốc gia đó đỡ khổ biết chừng nào.
 Cuối cùng, những ai muốn sống hạnh phúc mà chưa bố thí hoặc ít bố thí thì nên tự nhủ thầm: “các tỷ phú có thể hào phóng hiến tặng hàng chục tỷ dollar, vậy chúng ta không dám bỏ ra vài đồng để bố thí hay sao?”




[1] Theo givingpledge.org
[2] Theo theepochtimes.com
-->Đọc thêm...

November 27, 2010

Đàm Hoa Lạc Khứ Hữu Dư Hương

HT thượng Gíac hạ Ngộ (8-4-1945---19-11-2010)

ĐÀM HOA LẠC KHỨ HỮU DƯ HƯƠNG

Hương các loại hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Hương thơm người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời”

Ngày tôi hành điệu tại Tổ đình Thiên Đức đã nghe nhiều vị lớn tuổi truyền tụng về giới đức và công hạnh của Sư Thúc Ông. Tôi xưng Ngài như vậy vì Ngài là đệ tử Sư Cố tôi, Hoà thượng thượng Huệ hạ Chiếu. Rồi một hôm, chú Tân, một đệ tử nhỏ của Sư Ông, đuợc gởi về Tổ đình Thiên Đức để tu học dưới sự hướng dẫn của Bổn sư chúng tôi. Từ đó, qua những lời kể của chú Tân, chúng tôi càng kính ngưỡng về sự hành trì tinh mật giới luật của Ngài.
Có rất nhiều câu chuyện về sự hành trì tinh nghiêm giới luật của Sư Ông, nhưng chỉ với một câu chuyện nhỏ cũng cảm nhận việc hành trì ấy tinh mật đến chừng nào. Sư Ông thực hành và thường dạy đệ tử mỗi khi đi đại tiện phải gõ vào thành cầu 3 lần để chúng sanh như ngạ quỷ trong ấy vốn đang chờ ăn phẩn uế biết mà tránh để khỏi bị tổn thương. Đó là điều luật nhỏ nhặt ít ai để ý, ít ai hành trì, nhưng đó là tế hạnh oai nghi của người xuất gia. Một người xuất gia chân chánh lúc nào cũng phải an trú trong chánh niệm, tỉnh giác, để ý từng hành động nhỏ nhặt của mình, ý thức thức những động tác đang làm để giữ tâm định tĩnh, không buông lung. Điều luật nhỏ ấy cũng thể hiện tâm từ đối với những chúng sanh khác.
Chính vì đề cao việc học và hành trì giới luật nên Sư Ông, mỗi năm, đều tổ chức Đạo tràng An cư kiết hạ tại Bửu Thắng, quy tụ chư tăng ở Gia Lai và ngoại tỉnh về để thúc liễm thân tâm, trau giồi giới thân huệ mạng. Ngài cũng vận động Phật tử Gia Lai cúng dường, hộ trì các đạo tràng An cư kiết cư kiết hạ tại Bình Định để họ an tâm thực hiện truyền thống thiêng liêng mà Đức Phật đã chế định hầu giữ mạng mạch của Phật Pháp:
“Tỳ ni tạng trụ Phật pháp cữu trụ
Tỳ ni tạng diệt Phật pháp diệc diệt”
Mỗi năm Sư Ông đều hướng dẫn Phật tử về tổ đình Thiên Đức để giỗ Tổ. Mỗi dịp ấy, tứ chúng của Tổ đình được diện kiến và chiêm ngưỡng phong thái đĩnh đạc, dáng vẻ từ hoà, hoan hỷ của Ngài. Sư Ông đi từ nhà Tổ đến nhà bếp để lo toan, thăm hỏi, sách tấn, động viên những hàng tử đệ và Phật tử. Nơi nào Sư Ông đến ai cũng vui và cảm nhận niềm an lạc.
“Giữ gìn Tổ ấn tông phong
Tốt đời đẹp đạo giữa lòng nhân gian.”
Trên đây là một vài điểm xuyết nhỏ trong bức tranh cuộc đời và hành trạng rộng lớn của Sư Ông. Dù là những điểm nhỏ nhưng cũng đủ để chúng ta cảm nhận, kính phục trước đức hạnh hải hà của bậc Cao tăng, một Tòng lâm thạch trụ, suốt đời vì sự thiệu long Tam Bảo, giữ gìn giềng mối Phật Pháp, trùng quang Tổ ấn tông phong. Chính hạnh nguyện vị tha cứu độ chúng sanh và giới hạnh sáng ngời của Ngài là sự bất diệt trong dòng đời sanh diệt:
“Một mai thân thể tiêu tan,
Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời.
Pháp thân lồng lộng tuyệt vời,
Chiếu soi Pháp giới, rạng ngời Chân như.”
Và chính đức hạnh rạng ngời, hạnh nguyện cao thâm ấy là tấm gương và bài học vô giá lưu lại hiện đời và hậu thế:
“Mây Bát Nhã trên nền trời không in dấu
Hoa Ưu Đàm tuy rụng vẫn còn hương”
Dẫu biết rằng Ngài bỏ xác thân thân tạm bợ 86 năm nơi trần thế để vào cõi Niết Bàn nghỉ ngơi nhưng tứ chúng ai cũng bùi ngùi vì từ nay không được tắm mát trong suối nguồn từ tâm của Ôn nữa:
“Quảy dép về Tây chốn nghỉ ngơi
Hạc vàng cất cánh hướng chân trời
Dung nhan đã khuất nơi trần thế
Kẻ ở người đi luống ngậm ngùi.”
Kính ngưỡng mong Giác linh Ngài:
“Nơi Liên Trì phó hội
Nước Cực Lạc nghe kinh
Nương thuyền từ thệ nguyện độ sinh
Khắp ba cõi vào ra tự tại.”


Ấn Độ quốc, thành kính vọng bái,
      Pháp tôn Nhuận Huệ

-->Đọc thêm...

October 28, 2010

Khánh thành ngôi nhà đắt nhất thế giới và bức tranh phản diện của Ấn

Hôm nay, 28-10, ngôi nhà riêng đắt nhất thế giới của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ, Mukesh Ambani, chính thức làm lễ khánh thành. Được biết, ông sẽ mời 1000 thực khách đến dự trong dịp khai trương này.
Ngôi nhà 27 tầng, toạ lạc tại khu trung tâm thành phố Mumbai, trị giá 1 tỷ dollar, được các tạp chí nổi tiếng thế giới cho là đắt nhất thế giới.
Ngôi nhà có tên là Antilia này được xây dựng lấy theo cảm hứng thiết kế từ vườn treo Babylon với mặt trước nhìn ra biển Ả rập, xung quanh được bao bọc bởi một thảm thực vật phong phú và có thể nhìn thấy từ mọi góc nhìn của thành phố Mumbai.
Toà nhà được khởi công từ năm 2003, cao 173 m với tổng diện tích lên tới 37,000 m2. Với chiều cao 27 tầng, trong đó 6 tầng ga ra và 9 chiếc thang máy, cao ốc này được người giàu thứ năm thế giới Mukesh Ambani xây dựng làm nơi ở cho gia đình gồm hai vợ chồng và ba người con của mình.


Mukesh Ambani còn cho xây một rạp chiếu bóng mini trong toà nhà này. Bên ngoài rạp còn có  một phòng rượu, một quầy snack bar và không gian giải trí, bao gồm cả những chiếc đi văng và bàn ăn. Toà nhà này  còn có một bể bơi và một phòng tập yoga. Thậm chí, Ambani còn có cả một phòng lạnh tràn ngập những bông tuyết tự tạo.




Tầng trên cùng là một khu vực đa năng, vừa là  mái che, vừa là không gian giải trí với phong cảnh nhìn ra chân trời cũng như một phần của biển Ả rập. Một khu phòng kín với vách kính từ sàn đến trần được trang bị điều hoà không khí là một nơi thư giãn lý tưởng để vừa được ngắm cảnh mà không bị ảnh hưởng của thời tiết bên ngoài. Sân thượng của ngôi nhà còn có thể đáp được 3 chiếc trực thăng.


Mukesh trở thành tỷ phú tiếng tăm  sau khi thừa kế tài sản két xù do cha ông để lại, tập đoàn Reliance. Đế chế Reliance trị giá nhiều tỷ USD đã bị xé lẻ vào năm 2005, sau “cuộc chiến” kéo dài 7 tháng giữa hai anh em nhà Ambani, Mukesh và Anil. Hai người được thừa kế tập đoàn này sau cái chết của cha, ông Dhirubhai Ambani, vào năm 2002. Vì người cha không để lại di chúc, trong khi hai anh em luôn mâu thuẫn, nên mẹ họ, bà Kokilaben Ambani, đã phải đi đến quyết định đau lòng là xé lẻ tâm huyết cả đời gây dựng của chồng - tập đoàn công nghiệp Reliance - chia cho hai anh em quản lý.
Ambani anh đã phát triển Reliance Energy thành một tập đoàn năng lượng hùng mạnh, cung cấp điện cho thủ đô Delhi và thành phố Mumbai và là nhà tài phiệt dầu mỏ ở Ấn. Trong khi đó, công ty Reliance Communications của Ambani em cũng là một trong những doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Ấn Độ.
Hai anh em của ông thường xảy ra “khẩu chiến” trên truyền thông Ấn Độ và thông thường người đứng ra giảng hoà là thủ tướng Ấn.



Mukesh Ambani hiện được tạp chí Forbes bầu chọn là tỷ phú giàu đứng hàng thứ 4 thế giới với 29 tỷ dollar.
Ấn Độ bắt đầu phát triển nhanh từ năm 1991, khiến càng nhiều người trở nên giàu có. Hiện tại, họ đang có 69 tỷ phú và năm ngoái số người triệu  phú tăng thêm 42, 800.
Giàu có là chuyện đáng tán dương khi các nhà tỷ phú hay triệu phú kiếm tiền bằng đường lối đầu tư khôn ngoan và cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, điều đáng nói là các tỷ phú Ấn Độ có tấm lòng vị tha rất nghèo nàn. Chúng tôi chưa bao giờ nghe một tỷ phú Ấn nào đó bỏ tiền ra làm từ thiện.
Trong khi các tỷ phú Mỹ như Bill Gates, Warren Buffet,... đang cống hiến thời gian và gần như toàn bộ tài sản cho hoạt động từ thiện thì các tỷ phú Ấn gần như “án binh bất động”.
Mới đây, Bill gates đã sang Ấn để mở chi nhánh cứu trợ cho người nghèo, đặc biệt tại các bang Bihar, Uttar Pradesh và cất tiếng kêu gọi các tỷ phú Ấn ủng hộ các hoạt động này nhưng các đại gia Ấn vẫn “giả điếc” làm ngơ, quay lưng lại ngay với đồng hương của mình.
Trong khi con số nghèo đói tại Ấn Độ đang tăng cao, hàng triệu triệu người đang chen chút trong các khu ổ chuột, không có nước sạch sử dụng, trẻ em dưới 5 tuổi thiếu ăn chiếm hàng cao nhất thế giới, 42 %...thì con số nhà tỷ phú hay triệu phú Ấn tăng cao không nên là niềm hãnh diện, trái lại là niềm tủi nhục.
Ấn Độ đang đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, 8.5 %, nhưng đó chỉ là tảng băng nổi của tầng lớp trên. Con số đó không ý nghĩa gì với hàng trăm triệu người có cuộc sống một ngày như mọi ngày, chỉ vài cái chapati.
Vì vậy, việc khánh thành ngôi nhà xa xỉ, 1 tỷ dollar, và cần 600 người phục vụ so sánh với cảnh hàng trăm triệu người chen chút trong các khu ổ chuột tồi tàn là một bức tranh phản diện của xã hội Ấn Độ.
Làm gì để cải thiện bức tranh ấy? Giáo lý vô ngã vị tha, hạnh bố thí của Phật giáo nếu đem giáo hoá các đại gia này, xem ra, là một trong những giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, làm sao giáo lý ấy đến tai của họ khi mà Phật giáo hiện tại có sức ảnh hưởng yếu ớt trên quê hương của mình - vẫn là câu hỏi lớn.












-->Đọc thêm...