December 10, 2010

The modern Anāthapindikas - Các ông Cấp Cô Độc thời hiện đại

 nhà sáng lập mạng xã hội Facebook: Mark Zuckerberg
Hôm nay, 10/12, nhiều tờ báo phươnng Tây cùng loan tải sự kiện 17 tỷ phú tuyên bố hiến nửa tài sản của mình cho hội Cam Kết Hiến Tặng (the Giving Pledge). Tờ The Guardian của Anh cho hay, các tỷ phú này là Steve Case, nhà đồng sáng lập mạng giao dịch trực tuyến AOL; nhà tư bản tài chính Carl Icahn và Micheal Milken, cựu ủy viên hội đồng quản trị Phố Wall; Joe Mansueto, ông chủ của tập đoàn đầu tư Morningstar; thương gia Nocolas Berggruen; nhà đầu tư tư nhân Ted Forstmann; ...đặc biệt, hai nhà tỷ phú trẻ đồng sáng lập mạng xã hội Facebook là Mark Zuckerberg và Dustin Moskovitz .
Ông chủ sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, 26 tuổi, hồi tháng 9, đã tặng 100 triệu USD cho các trường công lập của Newark, bang New Jersey, Mỹ. Chàng trai hào phóng này hiện sở hữu tài sản riêng trị giá 6.9 tỷ USD. Như vậy, số tiền anh sẽ tặng cho hội Cam Kết Hiến Tặng là khoảng 3.5 tỷ USD.
Với việc 17 tỷ phú gia nhập hội Cam Kết Hiến Tặng này đã nâng con số hội viên lên 57 thành viên cá nhân hoặc gia đình.
Hội Cam Kết Hiến Tặng (The Giving Pledge) được thành lập tháng 6 năm nay do ông trùm chứng khoán Warren Buffett và vua phần mềm Bill Gates khởi xướng. Ông Gates, cùng với vợ là Melinda và Buffett đã mời gọi các tỉ phú Mỹ hiến tặng ít nhất 50% số tài sản của họ khi đang sống hoặc sau khi qua đời, đồng thời công khai nói rõ mục đích của họ bằng một lá thư giải thích quyết định đó. Cho đến nay, chỉ sau 5 tháng, đã có 57 tỷ phú hào phóng tham gia. Trong danh sách này còn có cả thị trưởng New York Michael Bloomberg, sáng lập viên hãng thông tấn CNN Ted Turner và đạo diễn gạo cội Hollywood George Lucas. Danh sách[1]  của 57 thành viên hội này như sau:
PAUL G. ALLEN
LAURA AND JOHN ARNOLD
NICOLAS BERGGRUEN
MICHAEL R. BLOOMBERG
ELI AND EDYTHE BROAD
WARREN BUFFETT
JEAN AND STEVE CASE
MICHELE CHAN AND PATRICK SOON-SHIONG
LEE AND TOBY COOPERMAN
BARRY DILLER AND DIANE VON FURSTENBERG
ANN AND JOHN DOERR
LARRY ELLISON
TED FORSTMANN
BILL AND MELINDA GATES
DAVID AND BARBARA GREEN
LYDA HILL
BARRON HILTON
JON AND KAREN HUNTSMAN
CARL ICAHN
JOAN AND IRWIN JACOBS
GEORGE B. KAISER
SIDNEY KIMMEL
ELAINE AND KEN LANGONE
GERRY AND MARGUERITE LENFEST
LORRY I. LOKEY
GEORGE LUCAS
DUNCAN AND NANCY MACMILLAN
ALFRED E. MANN
JOE AND RIKA MANSUETO
BERNIE AND BILLI MARCUS
MICHAEL AND LORI MILKEN
GEORGE P. MITCHELL
THOMAS S. MONAGHAN
TASHIA AND JOHN MORGRIDGE
DUSTIN MOSKOVITZ
PIERRE AND PAM OMIDYAR
BERNARD AND BARBRO OSHER
RONALD O. PERELMAN
PETER G. PETERSON
T. BOONE PICKENS
JULIAN H. ROBERTSON, JR.
DAVID ROCKEFELLER
DAVID M. RUBENSTEIN
HERB AND MARION SANDLER
DENNY SANFORD
VICKI AND ROGER SANT
WALTER SCOTT, JR.
TOM AND CINDY SECUNDA
JIM AND MARILYN SIMONS
JEFF SKOLL
TOM STEYER AND KAT TAYLOR
JIM AND VIRGINIA STOWERS
TED TURNER
SANFORD AND JOAN WEILL
SHELBY WHITE
CHARLES ZEGAR AND MERRYL SNOW ZEGAR
MARK ZUCKERBERG
Tất cả các tỷ phú này đều cam kết hiến tặng ít nhất 50% tài sản của họ. Tài khoản của quỹ sẽ phục vụ cho hoạt động nhân đạo, từ thiện. Tất cả họ đều rất hạnh phúc theo đuổi mục đích này. Mở đầu bức thư cam kết, ông Warren Buffett chia sẻ: “Trong năm 2006, tôi đã thực hiện cam kết sẽ hiến tất cả cổ phần Berkshire Hatthaway cho những tổ chức từ thiện. Tôi cảm thấy không  gì hạnh phúc hơn bằng quyết định đó…”. Ông Buffett đã cam kết hiến 99% tài sản của mình cho quỹ Bill Gates. Vợ chồng Bill Gates cũng hiến 28 tỷ USD cho quỹ này.


Ông trùm chứng khoán Warren Buffett
Vợ chồng tỷ phú Bill Gates
Đợt này , nhà tỷ phú trẻ Mark Zuckerberg đã gây tiếng vang lớn trong giới truyền thông và giới trẻ đang vươn lên làm giàu từ công nghệ mới. Họ không chỉ ngưỡng mộ anh là người hái tiền từ đầu óc nhạy bén về truyền thông bằng việc lập ra mạng xã hội Facebook có ảnh hưởng đến đa phần người sử dụng internet mà còn ngưỡng mộ anh ở tấm lòng nhân ái bao la. Anh phát biểu: “Nhiều người cứ phải chờ đến khi gần đất xa trời mới chịu cho đi chút ít tài sản. Nhưng tại sao phải đợi trong khi có rất nhiều điều cần đến sự giúp sức của chúng ta?”…cơ hội lớn cho nhiều người trong chúng ta hiến tặng sớm hơn trong cuộc sống và nhìn thấy tác động của những nỗ lực nhân ái đó[2].
Sự kiện các nhà tỷ phú hào phóng hiến tặng phần lớn tài sản của mình gợi chúng ta nhớ đến trưởng giả Sudatta, một thương gia giàu có bậc nhất tại thành Sravasthi, vương quốc Kosala, trị vì bởi vua Pasenadi, người đồng thời với Đức Phật. Thấm nhuần giáo lý từ bi, vị tha của đức Phật, ông Sudatta chuyên tâm lo các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo khó, không nơi nương tựa,  bên vực, che chở cho họ với tình thương bao la, rộng mở. Chính vì cảm kích trước tấm lòng hào phóng của ông nên người dân tôn xưng ông là Cấp Cô Độc (Anāthapindika), nghĩa là vị Cấp dưỡng cho kẻ nghèo khó, người Cô Độc. Ông phát tâm hiến cúng tinh xá Kỳ Viên, cúng dường các y phục, thực phẩm, thuốc men cho bất cứ Tăng Ni nào đến thành Xá-vệ. Gia đình ông là gia đình đạo đức, mẫu mực, được từ vua quan đến thứ dân đều kính mến. Từ sự tương quan này, chúng ta có thể gọi các nhà tỷ phú hào phóng trên là các vị Cấp Cô Độc thời hiện đại.
Việc các nhà tỷ phú sau khi hiến tặng tài sản đều cảm thấy rất hạnh phúc, mà đại diện là lời phát biểu của ông Warren Buffett và anh Mark Zuckerberg như trên, đã chứng minh nguyên tắc “the secret of happiness is in service to others” (bí mật của hạnh phúc chính là phục vụ người khác).  Theo đó, ở đỉnh cao của sự giàu sang và quyền lực, họ vẫn không tìm được hạnh phúc đích thực nếu không biết ban rải, mở rộng tâm hồn, quan tâm chia sẻ người khác. Họ đã tìm được hạnh phúc trong sự bố thí và phần nào nhận ra hạnh phúc đích thực nằm ở sự  an tịnh tâm hồn bằng việc phát triển tình thương, chứ không nằm ở vật chất tạm bợ như lời hai câu thơ chuyên chở giáo lý Đức Phật:
“Cuối đường danh lợi: hai tay trắng
Sau cuộc ân tình: nấm mộ hoang
Tại đây, cũng cần nhận xét trên phương diện văn hóa Đông-Tây: trong khi văn hóa phương Đông luôn tích trữ của cải theo phương thức “cha truyền con nối” thì văn hóa phương Tây luôn cống hiến, cho đi những gì mình đã nhận từ xã hội.
Việc các tỷ phú nối nhau ghi danh vào danh sách Cam Kết Hiến Tặng cũng khiến chúng ta suy nghĩ nếu tại các quốc gia nặng nề tham nhũng, các quan chức không cần cam kết hiến tặng gì cả, chỉ cần cam kết vào danh sách Phi Tham Nhũng (Non-Corruption List) thì dân chúng ở quốc gia đó đỡ khổ biết chừng nào.
 Cuối cùng, những ai muốn sống hạnh phúc mà chưa bố thí hoặc ít bố thí thì nên tự nhủ thầm: “các tỷ phú có thể hào phóng hiến tặng hàng chục tỷ dollar, vậy chúng ta không dám bỏ ra vài đồng để bố thí hay sao?”




[1] Theo givingpledge.org
[2] Theo theepochtimes.com
-->Đọc thêm...

November 27, 2010

Đàm Hoa Lạc Khứ Hữu Dư Hương

HT thượng Gíac hạ Ngộ (8-4-1945---19-11-2010)

ĐÀM HOA LẠC KHỨ HỮU DƯ HƯƠNG

Hương các loại hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Hương thơm người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời”

Ngày tôi hành điệu tại Tổ đình Thiên Đức đã nghe nhiều vị lớn tuổi truyền tụng về giới đức và công hạnh của Sư Thúc Ông. Tôi xưng Ngài như vậy vì Ngài là đệ tử Sư Cố tôi, Hoà thượng thượng Huệ hạ Chiếu. Rồi một hôm, chú Tân, một đệ tử nhỏ của Sư Ông, đuợc gởi về Tổ đình Thiên Đức để tu học dưới sự hướng dẫn của Bổn sư chúng tôi. Từ đó, qua những lời kể của chú Tân, chúng tôi càng kính ngưỡng về sự hành trì tinh mật giới luật của Ngài.
Có rất nhiều câu chuyện về sự hành trì tinh nghiêm giới luật của Sư Ông, nhưng chỉ với một câu chuyện nhỏ cũng cảm nhận việc hành trì ấy tinh mật đến chừng nào. Sư Ông thực hành và thường dạy đệ tử mỗi khi đi đại tiện phải gõ vào thành cầu 3 lần để chúng sanh như ngạ quỷ trong ấy vốn đang chờ ăn phẩn uế biết mà tránh để khỏi bị tổn thương. Đó là điều luật nhỏ nhặt ít ai để ý, ít ai hành trì, nhưng đó là tế hạnh oai nghi của người xuất gia. Một người xuất gia chân chánh lúc nào cũng phải an trú trong chánh niệm, tỉnh giác, để ý từng hành động nhỏ nhặt của mình, ý thức thức những động tác đang làm để giữ tâm định tĩnh, không buông lung. Điều luật nhỏ ấy cũng thể hiện tâm từ đối với những chúng sanh khác.
Chính vì đề cao việc học và hành trì giới luật nên Sư Ông, mỗi năm, đều tổ chức Đạo tràng An cư kiết hạ tại Bửu Thắng, quy tụ chư tăng ở Gia Lai và ngoại tỉnh về để thúc liễm thân tâm, trau giồi giới thân huệ mạng. Ngài cũng vận động Phật tử Gia Lai cúng dường, hộ trì các đạo tràng An cư kiết cư kiết hạ tại Bình Định để họ an tâm thực hiện truyền thống thiêng liêng mà Đức Phật đã chế định hầu giữ mạng mạch của Phật Pháp:
“Tỳ ni tạng trụ Phật pháp cữu trụ
Tỳ ni tạng diệt Phật pháp diệc diệt”
Mỗi năm Sư Ông đều hướng dẫn Phật tử về tổ đình Thiên Đức để giỗ Tổ. Mỗi dịp ấy, tứ chúng của Tổ đình được diện kiến và chiêm ngưỡng phong thái đĩnh đạc, dáng vẻ từ hoà, hoan hỷ của Ngài. Sư Ông đi từ nhà Tổ đến nhà bếp để lo toan, thăm hỏi, sách tấn, động viên những hàng tử đệ và Phật tử. Nơi nào Sư Ông đến ai cũng vui và cảm nhận niềm an lạc.
“Giữ gìn Tổ ấn tông phong
Tốt đời đẹp đạo giữa lòng nhân gian.”
Trên đây là một vài điểm xuyết nhỏ trong bức tranh cuộc đời và hành trạng rộng lớn của Sư Ông. Dù là những điểm nhỏ nhưng cũng đủ để chúng ta cảm nhận, kính phục trước đức hạnh hải hà của bậc Cao tăng, một Tòng lâm thạch trụ, suốt đời vì sự thiệu long Tam Bảo, giữ gìn giềng mối Phật Pháp, trùng quang Tổ ấn tông phong. Chính hạnh nguyện vị tha cứu độ chúng sanh và giới hạnh sáng ngời của Ngài là sự bất diệt trong dòng đời sanh diệt:
“Một mai thân thể tiêu tan,
Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời.
Pháp thân lồng lộng tuyệt vời,
Chiếu soi Pháp giới, rạng ngời Chân như.”
Và chính đức hạnh rạng ngời, hạnh nguyện cao thâm ấy là tấm gương và bài học vô giá lưu lại hiện đời và hậu thế:
“Mây Bát Nhã trên nền trời không in dấu
Hoa Ưu Đàm tuy rụng vẫn còn hương”
Dẫu biết rằng Ngài bỏ xác thân thân tạm bợ 86 năm nơi trần thế để vào cõi Niết Bàn nghỉ ngơi nhưng tứ chúng ai cũng bùi ngùi vì từ nay không được tắm mát trong suối nguồn từ tâm của Ôn nữa:
“Quảy dép về Tây chốn nghỉ ngơi
Hạc vàng cất cánh hướng chân trời
Dung nhan đã khuất nơi trần thế
Kẻ ở người đi luống ngậm ngùi.”
Kính ngưỡng mong Giác linh Ngài:
“Nơi Liên Trì phó hội
Nước Cực Lạc nghe kinh
Nương thuyền từ thệ nguyện độ sinh
Khắp ba cõi vào ra tự tại.”


Ấn Độ quốc, thành kính vọng bái,
      Pháp tôn Nhuận Huệ

-->Đọc thêm...

October 28, 2010

Khánh thành ngôi nhà đắt nhất thế giới và bức tranh phản diện của Ấn

Hôm nay, 28-10, ngôi nhà riêng đắt nhất thế giới của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ, Mukesh Ambani, chính thức làm lễ khánh thành. Được biết, ông sẽ mời 1000 thực khách đến dự trong dịp khai trương này.
Ngôi nhà 27 tầng, toạ lạc tại khu trung tâm thành phố Mumbai, trị giá 1 tỷ dollar, được các tạp chí nổi tiếng thế giới cho là đắt nhất thế giới.
Ngôi nhà có tên là Antilia này được xây dựng lấy theo cảm hứng thiết kế từ vườn treo Babylon với mặt trước nhìn ra biển Ả rập, xung quanh được bao bọc bởi một thảm thực vật phong phú và có thể nhìn thấy từ mọi góc nhìn của thành phố Mumbai.
Toà nhà được khởi công từ năm 2003, cao 173 m với tổng diện tích lên tới 37,000 m2. Với chiều cao 27 tầng, trong đó 6 tầng ga ra và 9 chiếc thang máy, cao ốc này được người giàu thứ năm thế giới Mukesh Ambani xây dựng làm nơi ở cho gia đình gồm hai vợ chồng và ba người con của mình.


Mukesh Ambani còn cho xây một rạp chiếu bóng mini trong toà nhà này. Bên ngoài rạp còn có  một phòng rượu, một quầy snack bar và không gian giải trí, bao gồm cả những chiếc đi văng và bàn ăn. Toà nhà này  còn có một bể bơi và một phòng tập yoga. Thậm chí, Ambani còn có cả một phòng lạnh tràn ngập những bông tuyết tự tạo.




Tầng trên cùng là một khu vực đa năng, vừa là  mái che, vừa là không gian giải trí với phong cảnh nhìn ra chân trời cũng như một phần của biển Ả rập. Một khu phòng kín với vách kính từ sàn đến trần được trang bị điều hoà không khí là một nơi thư giãn lý tưởng để vừa được ngắm cảnh mà không bị ảnh hưởng của thời tiết bên ngoài. Sân thượng của ngôi nhà còn có thể đáp được 3 chiếc trực thăng.


Mukesh trở thành tỷ phú tiếng tăm  sau khi thừa kế tài sản két xù do cha ông để lại, tập đoàn Reliance. Đế chế Reliance trị giá nhiều tỷ USD đã bị xé lẻ vào năm 2005, sau “cuộc chiến” kéo dài 7 tháng giữa hai anh em nhà Ambani, Mukesh và Anil. Hai người được thừa kế tập đoàn này sau cái chết của cha, ông Dhirubhai Ambani, vào năm 2002. Vì người cha không để lại di chúc, trong khi hai anh em luôn mâu thuẫn, nên mẹ họ, bà Kokilaben Ambani, đã phải đi đến quyết định đau lòng là xé lẻ tâm huyết cả đời gây dựng của chồng - tập đoàn công nghiệp Reliance - chia cho hai anh em quản lý.
Ambani anh đã phát triển Reliance Energy thành một tập đoàn năng lượng hùng mạnh, cung cấp điện cho thủ đô Delhi và thành phố Mumbai và là nhà tài phiệt dầu mỏ ở Ấn. Trong khi đó, công ty Reliance Communications của Ambani em cũng là một trong những doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Ấn Độ.
Hai anh em của ông thường xảy ra “khẩu chiến” trên truyền thông Ấn Độ và thông thường người đứng ra giảng hoà là thủ tướng Ấn.



Mukesh Ambani hiện được tạp chí Forbes bầu chọn là tỷ phú giàu đứng hàng thứ 4 thế giới với 29 tỷ dollar.
Ấn Độ bắt đầu phát triển nhanh từ năm 1991, khiến càng nhiều người trở nên giàu có. Hiện tại, họ đang có 69 tỷ phú và năm ngoái số người triệu  phú tăng thêm 42, 800.
Giàu có là chuyện đáng tán dương khi các nhà tỷ phú hay triệu phú kiếm tiền bằng đường lối đầu tư khôn ngoan và cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, điều đáng nói là các tỷ phú Ấn Độ có tấm lòng vị tha rất nghèo nàn. Chúng tôi chưa bao giờ nghe một tỷ phú Ấn nào đó bỏ tiền ra làm từ thiện.
Trong khi các tỷ phú Mỹ như Bill Gates, Warren Buffet,... đang cống hiến thời gian và gần như toàn bộ tài sản cho hoạt động từ thiện thì các tỷ phú Ấn gần như “án binh bất động”.
Mới đây, Bill gates đã sang Ấn để mở chi nhánh cứu trợ cho người nghèo, đặc biệt tại các bang Bihar, Uttar Pradesh và cất tiếng kêu gọi các tỷ phú Ấn ủng hộ các hoạt động này nhưng các đại gia Ấn vẫn “giả điếc” làm ngơ, quay lưng lại ngay với đồng hương của mình.
Trong khi con số nghèo đói tại Ấn Độ đang tăng cao, hàng triệu triệu người đang chen chút trong các khu ổ chuột, không có nước sạch sử dụng, trẻ em dưới 5 tuổi thiếu ăn chiếm hàng cao nhất thế giới, 42 %...thì con số nhà tỷ phú hay triệu phú Ấn tăng cao không nên là niềm hãnh diện, trái lại là niềm tủi nhục.
Ấn Độ đang đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, 8.5 %, nhưng đó chỉ là tảng băng nổi của tầng lớp trên. Con số đó không ý nghĩa gì với hàng trăm triệu người có cuộc sống một ngày như mọi ngày, chỉ vài cái chapati.
Vì vậy, việc khánh thành ngôi nhà xa xỉ, 1 tỷ dollar, và cần 600 người phục vụ so sánh với cảnh hàng trăm triệu người chen chút trong các khu ổ chuột tồi tàn là một bức tranh phản diện của xã hội Ấn Độ.
Làm gì để cải thiện bức tranh ấy? Giáo lý vô ngã vị tha, hạnh bố thí của Phật giáo nếu đem giáo hoá các đại gia này, xem ra, là một trong những giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, làm sao giáo lý ấy đến tai của họ khi mà Phật giáo hiện tại có sức ảnh hưởng yếu ớt trên quê hương của mình - vẫn là câu hỏi lớn.












-->Đọc thêm...

October 25, 2010

Lễ Hội Diwali


Nếu bạn thắc mắc là người Ấn có ăn Tết như ta không, Tết của họ diễn ra khi nào và như thế nào, thì câu trả lời là họ cũng có Tết như ta. Đó là lễ hội Diwali.
Diwali hay Deepawali (Sanskrit:Dīpāvali) nghĩa là “Lễ Hội Ánh Sáng” (Festival of Lights). Đó là Lễ hội quan trọng gồm 5 ngày của đạo Hindu, đạo Sikh và đạo Jain. Lễ hội diễn ra vào khoảng giữa tháng 10 đến giữa tháng 11. Khởi điểm là một Lễ hội của 3 tôn giáo, nhưng vì tín đồ của đạo Hindu chiếm đa số (80%) dân số[1] của Ấn Độ nên sức ảnh hưởng của Lễ hội lan rộng khắp dân tộc Ấn, trở thành Quốc Lễ của Ấn Độ, Nepal và là ngày Lễ chính thức của một số quốc gia có đông cộng đồng Ấn kiều như Guyana, Tridiad & Tobago, Mauritius, Malaysia, Singapore, Sri Lanka, Fiji và Surinam.
Trong truyền thống Hindu, Diwali đánh dấu sự kiện thần Lama (vốn là một vị vua, hoá thân của thần Vishnu) trở về vương quốc Ayodha[2] sau khi đánh bại bạo chúa Ravana, cai trị xứ Lanka, trong sử thi Rāmāyaṇa[3]. Với đạo Jain, Diwali là lễ tưởng niệm sự giác ngộ của giáo chủ Mahavira (Đại Hùng, vị Đạo Sư cùng thời với Đức Phật Thích Ca) năm 527 TCN. Diwali, theo đạo Sikh, là lễ kỷ niệm sự trở lại của Guru Har Gobind[4] sau khi giải phóng 52 vị vua Hindu bị cầm tù bởi hoàng đế Jahagir tại thành Gualior; và do vậy, Diwali cũng là ngày “Giải Phóng Tù Nhân”.



Ý nghĩa quan trọng của Diwali, theo triết lý Hindu, là ngoài thắp sáng đèn nến bên ngoài phải ý thức được “ánh sáng bên trong”. Diwali là Lễ hội đánh thức Tiểu ngã (Atman) vốn là bản tánh chân thật, trường tồn, bất biến, vô biên tế của mỗi cá nhân để chiếu sáng, xua tan chướng ngại, đẩy lùi ngu muội, hầu mang lại an vui, hòa bình và cuối cùng là mang Tiểu ngã (Atman) hoà đồng với Đại ngã (Brahman).



Theo lịch Hindu, Lễ hội gồm hơn 5 ngày với ý nghĩa mỗi ngày như sau:
1.      Ngày đầu tiên gọi là Vasu Baras (ngày 12 của nửa tháng còn lại của tháng Ashvin-tháng 7 lịch âm Hindu). Baras có nghĩa là thứ 12, Vasu có nghĩa là bò cái. Vào ngày này bò cái và con bê được tôn thờ.
2.      Ngày thứ hai gọi là Dhanatrayodashi (dhana: giàu có; tryodashi:thứ 13). Ngày này rơi vào ngày thứ 13 của nửa tháng còn lại của tháng 7 lịch Hindu. Đây là ngày sinh của thần Dhanvantri và cũng được xem là ngày may mắn để mua dụng cụ và vàng bạc.
3.      Ngày thứ ba có tên là Naraka Chaturdashi (Nakara: tên vị thần, Chaturdashi:thứ 14), là ngày kỷ niệm thần Krishna, một hoá thân của thần Vishnu, tiêu diệt ác thần Nakarasura.
4.      Ngày thứ tư, Lakshmi puja. Vào ngày ngày quan trọng này, người Hindu thờ cúng nữ thần Lakshmi, nữ thần thịnh vượng, và thần Ganesh, thần may mắn, rồi thắp đèn trong nhà và ngoài đường để nghinh đón sự thịnh vượng và hạnh phúc.
5.      Ngày thứ năm, Govardhan puja, là ngày tưởng niệm thần Krishna đánh bại thần Indra (thần chiến tranh, mưa, bão) và chuyển dời đồi Govarhan để cứu bà con của ông cùng súc vật từ mưa và lũ. Người đàn ông tặng quà cho vợ mình trong ngày này.
6.      Ngày thứ sáu, Bhaiguj, là ngày các anh chị em gặp nhau để bày tỏ tình thương yêu với nhau. Truyền thống này dựa vào câu chuyện thần chết, Yama, gặp em gái Yami. Yami đã thiết tiệc đãi anh mình bằng món Aarti. Khi chia tay, Yama đã tặng em mình một món quà để tỏ sự biết ơn.
Những hoạt động chính của Lễ hội là gia đình tụ họp, trang hoàng nhà cửa sạch đẹp. Nhiều loại đèn chiếu sáng được trang trí trước nhà. Đến dịp Lễ, người ta diện quần áo mới đẹp, đi đến đền để cúng thần, dâng lên những lời cầu nguyện, sau đó họ về nhà vui vầy những bữa tiệc thịnh soạn, chia nhau những thức ăn ngọt, thăm viếng và chúc phúc với láng giềng. Nhiều lúc, người dân đổ ra đường nhảy múa theo tiếng trống ầm ĩ. Ở điểm này, tôi thấy không có dân tộc nào thích nhảy múa bằng dân tộc Ấn.
Điểm nổi bật nhất của Lễ hội chính là đốt pháo. Trong suốt những ngày Lễ hội, đi đâu cũng nghe tiếng pháo. Tại các tiệm pháo người ta bày bán đủ loại pháo, có những loại pháo có âm thanh lớn như tiếng mìn nổ. Các trẻ em bận rộn suốt ngày với việc đốt pháo.






Một số loại pháo tại Ấn

Diwali cũng là dịp để những nhà giàu phô trương của cải của mình bằng việc tổ chức tiệc linh đình và đốt liên tục những loại pháo hoa đắt tiền, với nét mặt tươi cười mãn nguyện. Gần đấy, những đứa trẻ con nhà nghèo lăng xăng nhặt nhạnh những hộp đựng pháo và xác pháo rơi tơi tả để ngày mai đem đổi lấy vài cái chapati mong sống cho hết một kiếp hoang vu trên mặt đất. Thân thể gầy gò, đen đúa, đôi mắt ngưỡng mộ cộng với sự sợ sệt của chúng trước âm thanh ầm ầm của tiếng pháo, trước sự tự tin, hãnh diện của những đứa con xinh xắn trắng trẻo của những gã nhà giàu phì nộn đang loay hoay đốt pháo tạo nên một bức tranh tương phản và một câu hỏi muôn đời của dân tộc Ấn. Câu hỏi ấy đã được trả lời cách đây hơn 2,500 năm bởi một Người Ấn Độ phi thường, Đức Phật Thích Ca. Ngài đã xoá bỏ mọi giai cấp bằng việc tuyên bố: “không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn.” Cánh cửa Chánh Pháp của Ngài mở toang cho những ai muốn vào, không phân biệt vua chúa hay tiện nhân. Ngài xác nhận khả tính chứng ngộ của mọi người là như nhau và con người trở nên cao sang hay hèn tiện chính là do hành động tạo tác (karma) của mọi người. Sức ảnh hưởng của những Lời dạy minh triết đã cải cách xã hội một cách triệt để khi mà nơi nào có dấu chân Ngài, nơi đó không thấy có sự phân biệt giai cấp và một vị Tỳ-kheo thuộc giai cấp thấp cũng được quốc vương quỳ lạy để dâng thực phẩm cúng dường. Tiếc rằng, sức ảnh hưởng của những Lời dạy ấy chỉ vang vọng ở xã hội Ấn hơn 1,500 năm rồi suy tàn, để rồi ngày nay thừa hưởng Gia tài quý giá ấy chỉ còn là cộng đồng thiểu số ngưới Ấn [5].
Nhìn chung, Diwali là một truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Ấn. Nó thể hiện sự tôn kính thiêng liêng dâng lên Thánh Thần, sự đánh thức những giá trị đạo đức tiềm ẩn của con người, sự cảm thông thương yêu của con người, sự khát khao được thịnh vượng và hạnh phúc của họ. 
Những ngày đó, đêm nằm nghe tiếng pháo nổ râm ran, gợi lên cảm giác như không khí Tết tại quê nhà của người xa xứ cầu học như tôi. Thủa thiếu thời, mỗi lần Tết đến, tôi không sao ngủ được, ngồi dậy cùng Mẹ đẩy những que củi vào bếp lửa hừng cháy đang nấu nồi bánh chưng, bánh tét. Nhà trên, mùi hương trầm tỏa nghi ngút từ bàn thờ Phật và Gia tiên đã bày biện hoa quả và dưa hấu trang nghiêm. Đêm ấy, cứ trông mau đến sáng để được mặc quần áo mới, đi đánh bầu cua và đốt pháo cùng chúng bạn…
             ..…..  Nghe tiếng pháo nổ râm ran càng nhớ. Nhớ lắm. Nhớ cồn cào!



[1]  Theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm Kê Dân Số Ấn Độ, đạo Hindu chiếm 80.5 % dân số Ấn, tức 827,578,868 người.
[2] Tên một vương quốc cổ tại bang Bihar. Ayodha cũng được xem là Thánh địa của người Hindu.
[3] Rāmāyaṇa và  Mahābhārata là hai cuốn sử thi bằng tiếng Sanskrit của đạo Hindu, hình thành từ tk thứ 4 TCN đến tk 4 SCN. Từ hai cuốn sử thi này có thể biết nhiều thông tin về lịch sử và văn hoá Ấn Độ.
[4] vị Guru thứ 6 trong 10 vị Guru của đạo Sikh, trở thành Guru vào ngày 25-05-1606.
[5] Theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm Kê Dân Số Ấn Độ, đạo Phật chiếm 0.8 % dân số Ấn, tức 7,955,207 người.



Xua tan bóng tối



Xua đuổi sự u tối và không may mắn

Diwali 2007 tại Delhi

Diwali tổ chức cho Sinh viên quốc tế tại nhà riêng của Hiệu phó ĐH Mumbai





Các tiết mục tại buổi lễ

Sinh viên quốc tế dự lễ

Bắn pháo hoa tại Mumbai

-->Đọc thêm...