October 28, 2010

Khánh thành ngôi nhà đắt nhất thế giới và bức tranh phản diện của Ấn

Hôm nay, 28-10, ngôi nhà riêng đắt nhất thế giới của tỷ phú giàu nhất Ấn Độ, Mukesh Ambani, chính thức làm lễ khánh thành. Được biết, ông sẽ mời 1000 thực khách đến dự trong dịp khai trương này.
Ngôi nhà 27 tầng, toạ lạc tại khu trung tâm thành phố Mumbai, trị giá 1 tỷ dollar, được các tạp chí nổi tiếng thế giới cho là đắt nhất thế giới.
Ngôi nhà có tên là Antilia này được xây dựng lấy theo cảm hứng thiết kế từ vườn treo Babylon với mặt trước nhìn ra biển Ả rập, xung quanh được bao bọc bởi một thảm thực vật phong phú và có thể nhìn thấy từ mọi góc nhìn của thành phố Mumbai.
Toà nhà được khởi công từ năm 2003, cao 173 m với tổng diện tích lên tới 37,000 m2. Với chiều cao 27 tầng, trong đó 6 tầng ga ra và 9 chiếc thang máy, cao ốc này được người giàu thứ năm thế giới Mukesh Ambani xây dựng làm nơi ở cho gia đình gồm hai vợ chồng và ba người con của mình.


Mukesh Ambani còn cho xây một rạp chiếu bóng mini trong toà nhà này. Bên ngoài rạp còn có  một phòng rượu, một quầy snack bar và không gian giải trí, bao gồm cả những chiếc đi văng và bàn ăn. Toà nhà này  còn có một bể bơi và một phòng tập yoga. Thậm chí, Ambani còn có cả một phòng lạnh tràn ngập những bông tuyết tự tạo.




Tầng trên cùng là một khu vực đa năng, vừa là  mái che, vừa là không gian giải trí với phong cảnh nhìn ra chân trời cũng như một phần của biển Ả rập. Một khu phòng kín với vách kính từ sàn đến trần được trang bị điều hoà không khí là một nơi thư giãn lý tưởng để vừa được ngắm cảnh mà không bị ảnh hưởng của thời tiết bên ngoài. Sân thượng của ngôi nhà còn có thể đáp được 3 chiếc trực thăng.


Mukesh trở thành tỷ phú tiếng tăm  sau khi thừa kế tài sản két xù do cha ông để lại, tập đoàn Reliance. Đế chế Reliance trị giá nhiều tỷ USD đã bị xé lẻ vào năm 2005, sau “cuộc chiến” kéo dài 7 tháng giữa hai anh em nhà Ambani, Mukesh và Anil. Hai người được thừa kế tập đoàn này sau cái chết của cha, ông Dhirubhai Ambani, vào năm 2002. Vì người cha không để lại di chúc, trong khi hai anh em luôn mâu thuẫn, nên mẹ họ, bà Kokilaben Ambani, đã phải đi đến quyết định đau lòng là xé lẻ tâm huyết cả đời gây dựng của chồng - tập đoàn công nghiệp Reliance - chia cho hai anh em quản lý.
Ambani anh đã phát triển Reliance Energy thành một tập đoàn năng lượng hùng mạnh, cung cấp điện cho thủ đô Delhi và thành phố Mumbai và là nhà tài phiệt dầu mỏ ở Ấn. Trong khi đó, công ty Reliance Communications của Ambani em cũng là một trong những doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Ấn Độ.
Hai anh em của ông thường xảy ra “khẩu chiến” trên truyền thông Ấn Độ và thông thường người đứng ra giảng hoà là thủ tướng Ấn.



Mukesh Ambani hiện được tạp chí Forbes bầu chọn là tỷ phú giàu đứng hàng thứ 4 thế giới với 29 tỷ dollar.
Ấn Độ bắt đầu phát triển nhanh từ năm 1991, khiến càng nhiều người trở nên giàu có. Hiện tại, họ đang có 69 tỷ phú và năm ngoái số người triệu  phú tăng thêm 42, 800.
Giàu có là chuyện đáng tán dương khi các nhà tỷ phú hay triệu phú kiếm tiền bằng đường lối đầu tư khôn ngoan và cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, điều đáng nói là các tỷ phú Ấn Độ có tấm lòng vị tha rất nghèo nàn. Chúng tôi chưa bao giờ nghe một tỷ phú Ấn nào đó bỏ tiền ra làm từ thiện.
Trong khi các tỷ phú Mỹ như Bill Gates, Warren Buffet,... đang cống hiến thời gian và gần như toàn bộ tài sản cho hoạt động từ thiện thì các tỷ phú Ấn gần như “án binh bất động”.
Mới đây, Bill gates đã sang Ấn để mở chi nhánh cứu trợ cho người nghèo, đặc biệt tại các bang Bihar, Uttar Pradesh và cất tiếng kêu gọi các tỷ phú Ấn ủng hộ các hoạt động này nhưng các đại gia Ấn vẫn “giả điếc” làm ngơ, quay lưng lại ngay với đồng hương của mình.
Trong khi con số nghèo đói tại Ấn Độ đang tăng cao, hàng triệu triệu người đang chen chút trong các khu ổ chuột, không có nước sạch sử dụng, trẻ em dưới 5 tuổi thiếu ăn chiếm hàng cao nhất thế giới, 42 %...thì con số nhà tỷ phú hay triệu phú Ấn tăng cao không nên là niềm hãnh diện, trái lại là niềm tủi nhục.
Ấn Độ đang đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, 8.5 %, nhưng đó chỉ là tảng băng nổi của tầng lớp trên. Con số đó không ý nghĩa gì với hàng trăm triệu người có cuộc sống một ngày như mọi ngày, chỉ vài cái chapati.
Vì vậy, việc khánh thành ngôi nhà xa xỉ, 1 tỷ dollar, và cần 600 người phục vụ so sánh với cảnh hàng trăm triệu người chen chút trong các khu ổ chuột tồi tàn là một bức tranh phản diện của xã hội Ấn Độ.
Làm gì để cải thiện bức tranh ấy? Giáo lý vô ngã vị tha, hạnh bố thí của Phật giáo nếu đem giáo hoá các đại gia này, xem ra, là một trong những giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, làm sao giáo lý ấy đến tai của họ khi mà Phật giáo hiện tại có sức ảnh hưởng yếu ớt trên quê hương của mình - vẫn là câu hỏi lớn.












No comments:

Post a Comment