October 25, 2010

Lễ Hội Diwali


Nếu bạn thắc mắc là người Ấn có ăn Tết như ta không, Tết của họ diễn ra khi nào và như thế nào, thì câu trả lời là họ cũng có Tết như ta. Đó là lễ hội Diwali.
Diwali hay Deepawali (Sanskrit:Dīpāvali) nghĩa là “Lễ Hội Ánh Sáng” (Festival of Lights). Đó là Lễ hội quan trọng gồm 5 ngày của đạo Hindu, đạo Sikh và đạo Jain. Lễ hội diễn ra vào khoảng giữa tháng 10 đến giữa tháng 11. Khởi điểm là một Lễ hội của 3 tôn giáo, nhưng vì tín đồ của đạo Hindu chiếm đa số (80%) dân số[1] của Ấn Độ nên sức ảnh hưởng của Lễ hội lan rộng khắp dân tộc Ấn, trở thành Quốc Lễ của Ấn Độ, Nepal và là ngày Lễ chính thức của một số quốc gia có đông cộng đồng Ấn kiều như Guyana, Tridiad & Tobago, Mauritius, Malaysia, Singapore, Sri Lanka, Fiji và Surinam.
Trong truyền thống Hindu, Diwali đánh dấu sự kiện thần Lama (vốn là một vị vua, hoá thân của thần Vishnu) trở về vương quốc Ayodha[2] sau khi đánh bại bạo chúa Ravana, cai trị xứ Lanka, trong sử thi Rāmāyaṇa[3]. Với đạo Jain, Diwali là lễ tưởng niệm sự giác ngộ của giáo chủ Mahavira (Đại Hùng, vị Đạo Sư cùng thời với Đức Phật Thích Ca) năm 527 TCN. Diwali, theo đạo Sikh, là lễ kỷ niệm sự trở lại của Guru Har Gobind[4] sau khi giải phóng 52 vị vua Hindu bị cầm tù bởi hoàng đế Jahagir tại thành Gualior; và do vậy, Diwali cũng là ngày “Giải Phóng Tù Nhân”.



Ý nghĩa quan trọng của Diwali, theo triết lý Hindu, là ngoài thắp sáng đèn nến bên ngoài phải ý thức được “ánh sáng bên trong”. Diwali là Lễ hội đánh thức Tiểu ngã (Atman) vốn là bản tánh chân thật, trường tồn, bất biến, vô biên tế của mỗi cá nhân để chiếu sáng, xua tan chướng ngại, đẩy lùi ngu muội, hầu mang lại an vui, hòa bình và cuối cùng là mang Tiểu ngã (Atman) hoà đồng với Đại ngã (Brahman).



Theo lịch Hindu, Lễ hội gồm hơn 5 ngày với ý nghĩa mỗi ngày như sau:
1.      Ngày đầu tiên gọi là Vasu Baras (ngày 12 của nửa tháng còn lại của tháng Ashvin-tháng 7 lịch âm Hindu). Baras có nghĩa là thứ 12, Vasu có nghĩa là bò cái. Vào ngày này bò cái và con bê được tôn thờ.
2.      Ngày thứ hai gọi là Dhanatrayodashi (dhana: giàu có; tryodashi:thứ 13). Ngày này rơi vào ngày thứ 13 của nửa tháng còn lại của tháng 7 lịch Hindu. Đây là ngày sinh của thần Dhanvantri và cũng được xem là ngày may mắn để mua dụng cụ và vàng bạc.
3.      Ngày thứ ba có tên là Naraka Chaturdashi (Nakara: tên vị thần, Chaturdashi:thứ 14), là ngày kỷ niệm thần Krishna, một hoá thân của thần Vishnu, tiêu diệt ác thần Nakarasura.
4.      Ngày thứ tư, Lakshmi puja. Vào ngày ngày quan trọng này, người Hindu thờ cúng nữ thần Lakshmi, nữ thần thịnh vượng, và thần Ganesh, thần may mắn, rồi thắp đèn trong nhà và ngoài đường để nghinh đón sự thịnh vượng và hạnh phúc.
5.      Ngày thứ năm, Govardhan puja, là ngày tưởng niệm thần Krishna đánh bại thần Indra (thần chiến tranh, mưa, bão) và chuyển dời đồi Govarhan để cứu bà con của ông cùng súc vật từ mưa và lũ. Người đàn ông tặng quà cho vợ mình trong ngày này.
6.      Ngày thứ sáu, Bhaiguj, là ngày các anh chị em gặp nhau để bày tỏ tình thương yêu với nhau. Truyền thống này dựa vào câu chuyện thần chết, Yama, gặp em gái Yami. Yami đã thiết tiệc đãi anh mình bằng món Aarti. Khi chia tay, Yama đã tặng em mình một món quà để tỏ sự biết ơn.
Những hoạt động chính của Lễ hội là gia đình tụ họp, trang hoàng nhà cửa sạch đẹp. Nhiều loại đèn chiếu sáng được trang trí trước nhà. Đến dịp Lễ, người ta diện quần áo mới đẹp, đi đến đền để cúng thần, dâng lên những lời cầu nguyện, sau đó họ về nhà vui vầy những bữa tiệc thịnh soạn, chia nhau những thức ăn ngọt, thăm viếng và chúc phúc với láng giềng. Nhiều lúc, người dân đổ ra đường nhảy múa theo tiếng trống ầm ĩ. Ở điểm này, tôi thấy không có dân tộc nào thích nhảy múa bằng dân tộc Ấn.
Điểm nổi bật nhất của Lễ hội chính là đốt pháo. Trong suốt những ngày Lễ hội, đi đâu cũng nghe tiếng pháo. Tại các tiệm pháo người ta bày bán đủ loại pháo, có những loại pháo có âm thanh lớn như tiếng mìn nổ. Các trẻ em bận rộn suốt ngày với việc đốt pháo.






Một số loại pháo tại Ấn

Diwali cũng là dịp để những nhà giàu phô trương của cải của mình bằng việc tổ chức tiệc linh đình và đốt liên tục những loại pháo hoa đắt tiền, với nét mặt tươi cười mãn nguyện. Gần đấy, những đứa trẻ con nhà nghèo lăng xăng nhặt nhạnh những hộp đựng pháo và xác pháo rơi tơi tả để ngày mai đem đổi lấy vài cái chapati mong sống cho hết một kiếp hoang vu trên mặt đất. Thân thể gầy gò, đen đúa, đôi mắt ngưỡng mộ cộng với sự sợ sệt của chúng trước âm thanh ầm ầm của tiếng pháo, trước sự tự tin, hãnh diện của những đứa con xinh xắn trắng trẻo của những gã nhà giàu phì nộn đang loay hoay đốt pháo tạo nên một bức tranh tương phản và một câu hỏi muôn đời của dân tộc Ấn. Câu hỏi ấy đã được trả lời cách đây hơn 2,500 năm bởi một Người Ấn Độ phi thường, Đức Phật Thích Ca. Ngài đã xoá bỏ mọi giai cấp bằng việc tuyên bố: “không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn.” Cánh cửa Chánh Pháp của Ngài mở toang cho những ai muốn vào, không phân biệt vua chúa hay tiện nhân. Ngài xác nhận khả tính chứng ngộ của mọi người là như nhau và con người trở nên cao sang hay hèn tiện chính là do hành động tạo tác (karma) của mọi người. Sức ảnh hưởng của những Lời dạy minh triết đã cải cách xã hội một cách triệt để khi mà nơi nào có dấu chân Ngài, nơi đó không thấy có sự phân biệt giai cấp và một vị Tỳ-kheo thuộc giai cấp thấp cũng được quốc vương quỳ lạy để dâng thực phẩm cúng dường. Tiếc rằng, sức ảnh hưởng của những Lời dạy ấy chỉ vang vọng ở xã hội Ấn hơn 1,500 năm rồi suy tàn, để rồi ngày nay thừa hưởng Gia tài quý giá ấy chỉ còn là cộng đồng thiểu số ngưới Ấn [5].
Nhìn chung, Diwali là một truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Ấn. Nó thể hiện sự tôn kính thiêng liêng dâng lên Thánh Thần, sự đánh thức những giá trị đạo đức tiềm ẩn của con người, sự cảm thông thương yêu của con người, sự khát khao được thịnh vượng và hạnh phúc của họ. 
Những ngày đó, đêm nằm nghe tiếng pháo nổ râm ran, gợi lên cảm giác như không khí Tết tại quê nhà của người xa xứ cầu học như tôi. Thủa thiếu thời, mỗi lần Tết đến, tôi không sao ngủ được, ngồi dậy cùng Mẹ đẩy những que củi vào bếp lửa hừng cháy đang nấu nồi bánh chưng, bánh tét. Nhà trên, mùi hương trầm tỏa nghi ngút từ bàn thờ Phật và Gia tiên đã bày biện hoa quả và dưa hấu trang nghiêm. Đêm ấy, cứ trông mau đến sáng để được mặc quần áo mới, đi đánh bầu cua và đốt pháo cùng chúng bạn…
             ..…..  Nghe tiếng pháo nổ râm ran càng nhớ. Nhớ lắm. Nhớ cồn cào!



[1]  Theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm Kê Dân Số Ấn Độ, đạo Hindu chiếm 80.5 % dân số Ấn, tức 827,578,868 người.
[2] Tên một vương quốc cổ tại bang Bihar. Ayodha cũng được xem là Thánh địa của người Hindu.
[3] Rāmāyaṇa và  Mahābhārata là hai cuốn sử thi bằng tiếng Sanskrit của đạo Hindu, hình thành từ tk thứ 4 TCN đến tk 4 SCN. Từ hai cuốn sử thi này có thể biết nhiều thông tin về lịch sử và văn hoá Ấn Độ.
[4] vị Guru thứ 6 trong 10 vị Guru của đạo Sikh, trở thành Guru vào ngày 25-05-1606.
[5] Theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm Kê Dân Số Ấn Độ, đạo Phật chiếm 0.8 % dân số Ấn, tức 7,955,207 người.



Xua tan bóng tối



Xua đuổi sự u tối và không may mắn

Diwali 2007 tại Delhi

Diwali tổ chức cho Sinh viên quốc tế tại nhà riêng của Hiệu phó ĐH Mumbai





Các tiết mục tại buổi lễ

Sinh viên quốc tế dự lễ

Bắn pháo hoa tại Mumbai

1 comment: