October 8, 2010

Phóng sự Hội Thảo Bán Niên Quốc Tế về Thiền tại Somaiya




Vào thượng tuần tháng 9 DL, sau khi những cơn mưa xối xả, trắng trời Mumbai đã đi qua, nhường lại cho cho sự bừng dậy của vạn vật, cây cối trong cái nắng mới của tiết trời chớm thu, cũng là lúc thích hợp để các nhà nghiên cứu, hành giả Phật giáo khắp nơi trên thế giới đổ về “Thủ đô thương mại” của Ấn Độ để tham dự hội thảo.
Hội thảo Bán Niên Quốc Tế lần thứ 6 về chủ đề “Thiền Phật giáo:kinh văn, truyền thống và thực tập” đã được đăng cai tổ chức bởi Hội đồng điều hành Viện nghiên cứu Phật học Somaiya, thuộc ĐH Mumbai. Các đơn vị liên kết đồng tổ chức gồm: Uỷ ban giao lưu văn hoá Ấn độ (ICCR, thuộc chính phủ Ấn độ), Tân Đại học Nalanda, Đại học Phật giáo Việt Nam, khoa Triết và Pali (ĐH Mumbai).
Hội thảo 3 ngày (từ ngày 3 đến ngày 5/9) đã long trọng chính thức khai mạc vào lúc 9:30 ngày 3/9/2010 tại Viện Nghiên Cứu Phật học Somaiya, khuôn viên Somaiya Campus của ĐH Mumbai với sự tham dự của hàng trăm Tăng Ni, giáo sư, học giả, nghiên cứu sinh, sinh viên, và nhân sĩ  trí thức tại Ấn Độ và khắp nơi trên thế giới.
Chủ tọa đoàn và Thượng khách 

Đoàn Việt Nam do gồm 5 đại biểu do Đại đức Tiến sĩ Thích Nhật Từ hướng dẫn, HT Thích Gíac Toàn làm trưởng đoàn.
Buổi khai mạc đã được mở đầu bởi nghi thức tụng kinh cầu nguyện bằng tiếng Pali và Sankrit.Tiếp theo là nghi thức Thắp Nến và lời chào mừng các vị đại biểu và toàn thể hội chúng của ban tổ chức. Buổi lễ được tiếp nối bằng lời phát biểu khai mạc của các vị thượng khách và ban tổ chức. Lễ khai mạc đặc biệt ấn tượng bởi sự hiện diện và phát biểu của thống đốc bang Bihar, ông H.E.D. Konwar. Ngoài việc khen ngợi, chúc mừng và cầu chúc cho Hội thảo thành công tốt đẹp, ông còn nhấn mạnh về bang sở tại của minh: “Bihar là bang nghèo nhất của Ấn độ, nhưng là bang đóng góp nhiều nhất về tâm linh cho Ấn độ và cả thế giới bởi sự xuất hiện và truyền bá Chánh Pháp của đức Phật Tổ Gotama”.

Thắp Nến cầu nguyện



Thống đốc bang Bihar H.E.D Konwar phát biểu

Buổi chiều, Hội thảo đã tiến hành bằng session thứ nhất, Ấn Độ. Tiếp theo là session Sri lanka và Thái Lan. Buổi tối, lúc 6:30 p.m-7:30 p.m, màn trình diễn văn hoá Ấn Độ,  do Ban Văn Hoá thuộc chính phủ Maharastra đảm trách, diễn ra thật hoành tráng và mang đậm bản sắc.
Ngày thứ 2, hội thảo tiến hành bằng các Session: Cam-pu-chia và Lào, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Ngày cuối cùng ( 5/9) của hội thảo đã mở đầu bằng việc tập trung thảo luận đề tài “Thiền Đại thừa với tiêu điểm Đạo Nguyên (Dogen)”, tiếp theo là các session Tây Tạng, Việt Nam, Miến Điện.
Đoàn Việt Nam đã đóng góp 5 bài tham luận tập trung về lợi ích của thiền đối với cuộc sống hiện tại. Không có bài tham luận về 2 dòng thiền lớn, tiêu biểu và đang thịnh hành tại Việt Nam và trên thế giới. Đó là dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử do Trần Nhân Tôngg (1279-1293) thành lập bằng việc thống nhất 3  thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường; và dòng thiền Làng Mai do Thiền sư Nhất Hạnh lãnh đạo, vốn được tiếp lửa từ tổ Khương Tăng Hội (mẹ Ngài người Việt, sống vào khoảng thế kỷ thứ 3 sau CN). Hai dòng thiền này mang đậm bản sắc dân tộc Việt.
Hội thảo đã kết thúc cùng ngày và sau đó đã khởi hành đi tham quan 4 hang động Phật giáo tại Pune: Bhedsa, Karla, Bahaje, Kondane và thực tập thiền.
Điểm nổi bật của Hội thảo
- Hội thảo đã thu hút sự tham dự của hàng trăm giáo sư hàng đầu tai Ấn độ và thế giới. Nhiều giáo sư, học giả nổi tiếng tuy không có bài tham luận nhưng đã đến để chủ toạ, điều hợp, yểm trợ các buổi hội thảo.
- Dù ít hay nhiều, các truyền thống thiền Phật giáo, và phương pháp thực hành đã được trình bày.
- Thiền Vipassana được thảo luận nhiều hơn thiền Đại thừa. Điều này phản ánh thực tế sự kế tục và sức phổ biến của các hệ thống thiền trong xã hội hiện tại.
- Việc tổ chức đã thành công mỹ mãn như mong đợi từ khâu tiếp tân đến âm thanh, ánh sáng, chất lượng, v.v.
Hội thảo kết thúc trong không khí thiền vị, mang tính nhất trí và học thuật, như lời phát biểu cùa Viện trưởng K. Sankarnayan: “một người không thể tạo nên học thuật, nghiên cứu. Bằng cách đóng góp, liên kết, giao lưu chúng ta sẽ tạo nên môi trường học thuật, nghiên cứu thành công như hội thảo lần này.”
Riêng tôi, vừa hoan hỷ vì sự thành công tốt đẹp của hội thảo, lại vừa trăn trở vì những dòng thiền lớn tại Trung Quốc không được nhắc đến, đặc biệt là Tổ Bodhidharma (Bồ-đề-đạt-ma). Phật giáo đại thừa xuất phát từ Ấn độ nhưng phát triển rực rỡ trên mảnh đất Trung Hoa, với sự ra đời của Thập đại tông phái. Trong đó, thiền buổi đầu đã được dần dần mang vào bởi các đoàn truyền giáo nhưng thực sự định hình và nổi bậc bởi sự xuất hiện của Tổ Bodhidharma đầu thế kỷ thứ 6. Đến thời Đường, với sự xuất hiện của Lục tổ Huệ Năng và sau đó là sự ra đời của Ngũ Gia Thiền Phái, đã ngự trị đời sống tâm linh của người Trung thổ. Tiếc thay, Phật giáo đã suy vi vào cuối đời Thanh, và mặc dù có cuộc chấn hưng vào các thập niên đầu của thế kỷ 20, nhưng vì ngoại duyên tác động và sự khan hiếm anh hào Phật giáo nên không phục hồi nổi và các Thiền phái cũng chịu chung số phận. Chính vì Tổ sư thiền suy tàn ngay trên mảnh đất của nó nên các nước trong hệ truyền thừa cũng không vực dậy nổi, do vậy việc tiếp nối của tông phái này thật khiêm tốn. Đó cũng là lý do thiền Bodhidharma với chủ trương siêu phóng “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyên, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” hầu như không được nhắc đến trong hội thảo lần này. Tiếc thay!

Minh Toàn thực hiện



Nghiên cứu sinh ĐH Mumbai tham dự


Toàn thể Đại biểu

HT Gíac Toàn tặng quà cho Thống đốc bang Bihar

GS P.L Dhar chủ tọa

Ven Che Kinda thảo luận

GS. Somparn Promta hùng biện

GS. Anita Sharma, GS Akira Saito và học giả thông bác mọi truyền thống PG, GS. Charles Willemen chủ tọa

giờ ăn trưa

PGS A.K. Rana tại Hội thảo

GS. Kiyozumi Ishii, Hiệu trưởng ĐH Komazawa-Nhật chủ tọa

Tác giả khơi gợi tổ Bodhidharma tại Hội thảo

Dr. Ravindra Panth, Hiệu trưởng ĐH Tân Nalanda thảo luận

Đoàn ĐH  PGVN tại Hội thảo

PGS, hiện giảng dạy tại khoa Châu Á và Tỷ giảo Tôn giáo, Luther College, Mỹ thảo luận

Most Ven. Ashin Nanissara, Viện trưởng Học viện Phật giáo quốc tế Sitagu, Myamar và  GS. Niên trưởng M.V. Talim ra măt sách mới "Philisophy of Aesthetics"

Trình diễn văn hóa

Viện trưởng GS.  K.Sankarnarayan tổng kết và cảm tạ

Bế mạc, chụp hình lưu niệm

No comments:

Post a Comment