November 27, 2010

Đàm Hoa Lạc Khứ Hữu Dư Hương

HT thượng Gíac hạ Ngộ (8-4-1945---19-11-2010)

ĐÀM HOA LẠC KHỨ HỮU DƯ HƯƠNG

Hương các loại hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Hương thơm người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời”

Ngày tôi hành điệu tại Tổ đình Thiên Đức đã nghe nhiều vị lớn tuổi truyền tụng về giới đức và công hạnh của Sư Thúc Ông. Tôi xưng Ngài như vậy vì Ngài là đệ tử Sư Cố tôi, Hoà thượng thượng Huệ hạ Chiếu. Rồi một hôm, chú Tân, một đệ tử nhỏ của Sư Ông, đuợc gởi về Tổ đình Thiên Đức để tu học dưới sự hướng dẫn của Bổn sư chúng tôi. Từ đó, qua những lời kể của chú Tân, chúng tôi càng kính ngưỡng về sự hành trì tinh mật giới luật của Ngài.
Có rất nhiều câu chuyện về sự hành trì tinh nghiêm giới luật của Sư Ông, nhưng chỉ với một câu chuyện nhỏ cũng cảm nhận việc hành trì ấy tinh mật đến chừng nào. Sư Ông thực hành và thường dạy đệ tử mỗi khi đi đại tiện phải gõ vào thành cầu 3 lần để chúng sanh như ngạ quỷ trong ấy vốn đang chờ ăn phẩn uế biết mà tránh để khỏi bị tổn thương. Đó là điều luật nhỏ nhặt ít ai để ý, ít ai hành trì, nhưng đó là tế hạnh oai nghi của người xuất gia. Một người xuất gia chân chánh lúc nào cũng phải an trú trong chánh niệm, tỉnh giác, để ý từng hành động nhỏ nhặt của mình, ý thức thức những động tác đang làm để giữ tâm định tĩnh, không buông lung. Điều luật nhỏ ấy cũng thể hiện tâm từ đối với những chúng sanh khác.
Chính vì đề cao việc học và hành trì giới luật nên Sư Ông, mỗi năm, đều tổ chức Đạo tràng An cư kiết hạ tại Bửu Thắng, quy tụ chư tăng ở Gia Lai và ngoại tỉnh về để thúc liễm thân tâm, trau giồi giới thân huệ mạng. Ngài cũng vận động Phật tử Gia Lai cúng dường, hộ trì các đạo tràng An cư kiết cư kiết hạ tại Bình Định để họ an tâm thực hiện truyền thống thiêng liêng mà Đức Phật đã chế định hầu giữ mạng mạch của Phật Pháp:
“Tỳ ni tạng trụ Phật pháp cữu trụ
Tỳ ni tạng diệt Phật pháp diệc diệt”
Mỗi năm Sư Ông đều hướng dẫn Phật tử về tổ đình Thiên Đức để giỗ Tổ. Mỗi dịp ấy, tứ chúng của Tổ đình được diện kiến và chiêm ngưỡng phong thái đĩnh đạc, dáng vẻ từ hoà, hoan hỷ của Ngài. Sư Ông đi từ nhà Tổ đến nhà bếp để lo toan, thăm hỏi, sách tấn, động viên những hàng tử đệ và Phật tử. Nơi nào Sư Ông đến ai cũng vui và cảm nhận niềm an lạc.
“Giữ gìn Tổ ấn tông phong
Tốt đời đẹp đạo giữa lòng nhân gian.”
Trên đây là một vài điểm xuyết nhỏ trong bức tranh cuộc đời và hành trạng rộng lớn của Sư Ông. Dù là những điểm nhỏ nhưng cũng đủ để chúng ta cảm nhận, kính phục trước đức hạnh hải hà của bậc Cao tăng, một Tòng lâm thạch trụ, suốt đời vì sự thiệu long Tam Bảo, giữ gìn giềng mối Phật Pháp, trùng quang Tổ ấn tông phong. Chính hạnh nguyện vị tha cứu độ chúng sanh và giới hạnh sáng ngời của Ngài là sự bất diệt trong dòng đời sanh diệt:
“Một mai thân thể tiêu tan,
Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời.
Pháp thân lồng lộng tuyệt vời,
Chiếu soi Pháp giới, rạng ngời Chân như.”
Và chính đức hạnh rạng ngời, hạnh nguyện cao thâm ấy là tấm gương và bài học vô giá lưu lại hiện đời và hậu thế:
“Mây Bát Nhã trên nền trời không in dấu
Hoa Ưu Đàm tuy rụng vẫn còn hương”
Dẫu biết rằng Ngài bỏ xác thân thân tạm bợ 86 năm nơi trần thế để vào cõi Niết Bàn nghỉ ngơi nhưng tứ chúng ai cũng bùi ngùi vì từ nay không được tắm mát trong suối nguồn từ tâm của Ôn nữa:
“Quảy dép về Tây chốn nghỉ ngơi
Hạc vàng cất cánh hướng chân trời
Dung nhan đã khuất nơi trần thế
Kẻ ở người đi luống ngậm ngùi.”
Kính ngưỡng mong Giác linh Ngài:
“Nơi Liên Trì phó hội
Nước Cực Lạc nghe kinh
Nương thuyền từ thệ nguyện độ sinh
Khắp ba cõi vào ra tự tại.”


Ấn Độ quốc, thành kính vọng bái,
      Pháp tôn Nhuận Huệ

-->Đọc thêm...