May 12, 2011

Lá Thư Mùa Phật Đản



Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni,
Kính thưa thiện hữu tri thức, nhân sĩ và quý Phật tử xa gần,
Cứ mọi độ tháng Vesak của Ấn Độ, trời đất ấm áp, vạn vật sinh sôi nảy nở, cũng là lúc hàng triệu người con Phật trên khắp năm châu bốn bể hân hoan, kính mừng ngày Đản Sanh của Đức Từ Phụ. Sự ra đời của Ngài vì bản hoài cứu độ chúng sanh, đem lại an lạc, hoà bình cho thế giới:
Này các Tỳ kheo, có một người xuất hiện ở đời, xuất hiện vì an lạc của số đông, xuất hiện vì lòng thương tưởng đời, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người. Người ấy là ai? Đó là Như Lai, bậc A La Hán, Chánh Dẳng Giác.”[1]
Thật vậy, cuộc đời của Ngài chính là minh chứng hùng hồn cho lời tuyên bố ấy. Trải qua 49 năm du hoá khắp cõi Bắc Ấn, bằng những lời dạy đầy nhân bản, trí tuệ và từ bi, Ngài đã đem lại sự an lạc cho vô số trời người, thiết lập sự bình đẳng xã hội, mang đến những giá trị đạo đức cao thượng và hoà bình cho nhân loại.
Đức Phật là hiện thân của hòa bình; đặc trưng giáo Pháp của Ngài là chân lý về Bất bạo động đối với vạn vật sinh linh. Cuộc đời của Thế Tôn hài hòa, gắn liền với thiên nhiên. Ngài Đản Sanh dưới cây Vô Ưu, chứng sơ thiền dưới cây Diêm-phù-đề khi còn niên thiếu, tu khổ hạnh 6 năm dưới những tán cây rừng, Thành Đạo dưới cội Bồ-đề, an cư 22 năm tại tinh xá Rừng Trúc và 24 năm tại tinh xá vườn cây Kỳ-đà và cuối cùng nhập Niết Bàn dưới rừng cây Ta La. Giáo Pháp của Ngài là giáo lý của Bất bạo động (ahiṃsā) khi những lời dạy ấy, nếu được thực hành sẽ đem lại nội tâm an bình, định tĩnh. Giáo Pháp ấy khuyên hành giả thực hành mọi ngôn từ và hành xử không tổn hại đến sinh linh, môi trường, dù là hành động nhỏ nhất như bẻ cành hay vứt những thức ăn thừa lên thảm cỏ. Ngài khuyên đệ tử phải mang đãy lọc nước bên mình để lọc những sinh vật nhỏ bé trước khi uống; hay trước khi bước chân đi phải niệm chú hầu duy trì chánh niệm tránh không giẫm đạp sinh vật hoặc nếu lỡ giẫm đạp thì cầu nguyện chúng sanh ấy được sanh về thế giới an lành.
Tiếp nối những lời dạy minh triết của Ngài, chư lịch đại Tổ Sư đã đưa đạo Phật thích ứng với lịch sử và xã hội của từng xứ sở và tích cực xây dựng các xứ sở đó. Tăng sĩ giữ vai trò quan trọng của bậc mô phạm đối với vua chúa cũng như dân chúng. Dưới triều đại Ashoka của Ấn Độ, Đường ở Trung Hoa, Nại Lương ở Nhật Bản, Lý-Trần ở Việt Nam, Đạo Phật đã bước vào thời kỳ cực thịnh và có những đóng góp vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực từ tư tưởng, tâm linh đến văn hóa, văn học, đời sống xã hội, v.v.
Thưa quý vị,
Từ những năm đầu của thế kỷ 21 đến nay, thế giới chúng ta đã và đang chịu nhiêu tai ách, thảm họa từ thiên tai, động đất, sóng thần, chiến tranh, khủng bố, bạo hành,… xảy ra khắp nơi. Điều đó chứng tỏ hành tinh chúng ta đang sống có nhiều điều bất an mà trong đó đa phần là do tâm lý, hành vi của con người được sai sử bởi lòng vị kỷ, tham dục gây ra. Chúng ta đã phóng chiếu những độc tố tham lam, sân hận, si mê, hành vi vị ngã lên môi trường và ngay cả với đồng loại của mình.
Vừa rồi, cả nhân loại không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến thảm họa xảy ra với nhân dân Nhật Bản. Những con sóng thần cao hơn 10 m, kèm theo động đất mạnh 9 độ ritcher tàn phá thành phố, làng mạc, cướp đi sinh mạng của hơn 26 ngàn người, thiệt hại ít nhất 200 tỷ Mỹ kim đã để lại nỗi đau thương, tang tóc cho dân Nhật và thương tâm cho cả nhân loại. Những thảm họa ấy nhắc nhở chúng ta rằng bà mẹ Trái Đất đang kiệt quệ, quằn quại đau đớn mà phần lớn là do những đứa con của mình ngày đêm ra sức bóc lột, khai thác tài nguyên, thải một cách vô tội vạ thán khí vào môi trường. Mặt khác, tình trạng bạo lực, chiến tranh xảy ra tại Bắc Phi, Trung Đông và khắp nơi do nạn lạm quyền, độc tài khiến người dân tại những nơi đó lầm than, đau khổ. Trong khi đó, một tỷ người trên khắp hành tinh đã, đang và có nguy cơ bị thiếu đói…
Vì thế, hơn bao giờ hết, bức thông điệp Từ Bi, Trí Tuệ, Bất Bạo Động của Đức Phật cần phải được soi sáng và thực thi trong từng gia đình và mỗi cá nhân. Mỗi người cần phải trở về với chính mình, soi sáng, nhận diện và chuyển hóa mọi khổ đau. Đồng thời, chúng ta gởi những năng lượng yêu thương và trí tuệ cho người thân và xã hội, tích cực xây dựng một thế giới vắng bóng hận thù, ích kỷ, ngập tràn an lạc. Chúng ta cần thực hiện tinh thần tri túc và bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ nhất như cúp những bóng điện không cần thiết, tiết kiệm việc sử dụng nước, nhặt rác thải, trồng nhiều cây xanh xung quanh mình,v.v.
Cầu nguyện hương linh của những nạn nhân trong các thảm họa sanh về cảnh giới an lành. Ước mong Qúy vị, và tất cả chúng sanh sống an bình và hạnh phúc trong ánh hào quang Từ Bi và Trí Tuệ của đức Từ Phụ nhân mùa Đản Sanh của Ngài.



[1] Kinh Tăng Chi I, Hội Kinh Tạng Pāli, London, 1989, tr. 14-15.
-->Đọc thêm...

March 18, 2011

Khánh thành tượng Phật cao nhất Ấn Độ



Hôm 16-03, tại Thai Buddha vihar, Varanasi, tôn tượng Đức Phật cao nhất Ấn Độ đã được khánh thành.Buổi lễ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm với cuộc diễu hành của chư Tăng, Phật tử hòa cùng âm điệu âm nhạc truyền thống  của hai nước Thái Lan và Ấn Độ.
Cựu thủ tướng Thái Surayud Chunalot và cựu quản trị viên của Lord Abbot Wat Dharma Suthi đã làm lễ vén màn tôn tượng. Sau lễ tụng kinh gia trì của chư Tăng, Cựu thủ tướng Thái phát biểu: “Tôi cho rằng Ấn Độ là thành trì văn minh cổ đại và (việc khánh thành) tôn tượng Đức Phật đứng này sẽ nuôi dưỡng sự hiểu biết hơn nữa và trao đổi tình hữu nghị giữa hai dân tộc.”
Ông cũng cho rằng việc khánh thành tôn tượng sẽ thúc đẩy hơn nữa sự thắt chặt lịch sử của hai quốc gia bên cạnh việc đẩy mạnh giao lưu văn hóa.
Được biết, tôn tượng Đức Phật đứng bằng sa thạch này cao 80 feet (khoảng 24 m) tọa lạc trong khuôn viên rộng 2.5 mẫu Anh (hơn 1 ha) của Thai Buddha Vihar, Sarnath, được cho là cao nhất tại Ấn hiện nay.



Ý tưởng về việc xây dựng tôn tượng tại nơi Đức Phật chuyển Pháp Luân đầu tiên này đã được hình thành từ năm 1970, nhưng mãi đến năm  1997, công trình mới được tiến hành. Công trình đã bị gián đoạn 3 năm do thiếu hụt tài chính, tổng kinh phí của công trình là 2 crore Rupees (khoảng nửa triệu Mỹ kim).
Nghệ thuật, kiến trúc tôn tượng được mô phỏng theo tượng Phật đứng được tạc vào thế kỷ thứ IV CE, thuộc trường phái Mathura.

Tượng Phật đứng thuộc trường phái Mathura, thế kỷ IV CE

Tưởng cũng cần nói thêm là, nếu theo sự ghi chép trong kinh điển thì tượng  Phật đầu tiên đã có từ thời Đức Phật còn tại thế. Theo truyền thuyết,  trong thời gian Đức Phật lên cung trời Đao-lợi thuyết pháp, “buồn rầu vì sự vắng mặt của Ngài, đức vua Udayana đặt làm một bức tượng từ gỗ đàn hương, mà ông tặng cho Đức Phật khi Ngài trở về”. Nếu còn thì đó là pho tượng Phật đầu tiên trong lịch sử tạo hình Phật giáo, tuy vậy, khi về lại trần gian, Đức Phật không chấp nhận nó. 
Do truyền thuyết Đức Phật không chấp nhận tượng Phật bằng gỗ đàn hương của vua Udayana mà mà tình trạng không có tượng Phật kéo dài đến thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Trong thời kỳ này, hình thức thờ phượng chủ yếu là tháp (stūpa) và những biểu tượng. Từ thế kỷ thứ I BCE,  thì tượng Phật trong hình dáng con người mới bắt đầu xuất hiện. Tượng Phật từ đó đã trở thành trọng tâm tín ngưỡng với hai trường phái tạo hình tượng Phật sớm nhất là Mathura, tọa lạc tại Trung Ấn, và Gandhara, nay thuộc Pakistan và Afganistan.

Tượng Phật thuộc trường phái Gandhara

Trường phái Gandhara điêu khắc hình tượng của Đức Phật bằng những nét thanh tú, rất gần với những vị thần của Hi Lạp với cách choàng y sống động theo truyền thống Hi-La, tóc gợn sóng và bó thành búi. Trong khi đó, trường phái Mathura khắc hoạ hình dáng đức Phật gần với những vị thần thánh thuộc văn hoá bản địa Ấn, tròn trịa, sung túc, với tóc cuộn xoắn, y hở vai phải và phủ kín những thân phần dưới. Dưới triều đại Gupta (320-550 CE), phong cách tượng của trường phái Mathura được tinh lọc lại với những nét mạnh mẽ, tinh tế và trơn nhẵn.

Tượng Phật chuyển Pháp Luân, trường phái Mathura, dưới triêu Gupta

Các nhà khảo cổ cho rằng, những tượng Phật đầu tiên thuộc về trường phái Mathura. Về mặt khảo cổ,  ảnh tượng đầu tiên của Đức Phật được tìm thấy trên đồng tiền, niên đại 100 CE, dưới triều đại vua Kanishka (Ca-nị-sắc-ca). Đồng tiền này mô tả Đức Phật trong tư thế đứng, được khắc chạm theo trường phái Gandhara, bên cạnh là chữ “Boddo”, thuộc ngôn ngữ Bactria.
Việc khánh thành tượng Phật cao nhất Ấn Độ mang đậm phong cách bản địa Ấn này chắc chắn sẽ  tạo thêm sự thiêng liêng, sống động tại nơi Thánh địa lần đầu tiên Đức Phật chuyển Pháp Luân.

Đồng tiền niên đại TK I CE, triều vua Kaniska







-->Đọc thêm...

February 12, 2011

Đức Karmapa 17 được trả lại sự trong sạch



Chính quyền bang Himachal Pradesh, Ấn Độ, hôm qua, 11-02-2011, đã trả lại sự trong sạch cho Đức Karmapa sau khi nghi Ngài là gián điệp của chính quyền Trung Quốc.


Câu chuyện được bắt đầu từ nửa tháng trước, cảnh sát đã phát hiện tại tu viện Ngài đang tịnh tu, tu viện Gyuto Tantric , Dharamsala, số tiền lớn gồm nhiều ngoại tệ khác nhau lên đến 8 crore Rupees, tương đương 1.8 triệu Mỹ kim. Đặc biệt, trong số ngoại tệ này có đồng Nhân Dân tệ của Trung Quốc chiếm 2.6 crore.  Từ việc phát hiện này cộng với mối lo ngại vốn có từ lâu là Ngài dính líu đến chính quyền Bắc Kinh, nên cảnh sát bang Himachal Pradesh đã tịch thu số tiền trên và cho đóng băng tất cả tài khoản của các quỹ do Đức Karmapa đứng đầu để tiến hành điều tra.
Chính quyền bang Himachal Pradesh nghi ngờ rằng Bắc Kinh tài trợ cho Đức Karmapa để Ngài xây dựng các tu viện dọc theo biên giới Trung-Ấn, trải dài từ Ladakh đến Anuchal Pradesh hầu làm gián điệp giúp họ kiểm soát khu vực này. Họ cũng nghi ngờ cả việc Ngài đào thoát khỏi Tây Tạng rồi đến Dharamsala năm 2000 là có sự “sắp xếp” của chính quyền Bắc Kinh.
Đức Dalai Lama sau đó cho rằng số tiền này do Phật tử khắp nơi trên thế giới hiến cúng, và trong số đó có đồng Nhân Dân tệ là do Ngài Karmapa có nhiều đệ tử người Hoa.
Văn phòng Ngài Karmapa cũng khẳng định số tiền này do các đệ tử của Ngài hiến cúng để xây dựng các tu viện tại Dharamsala.
Sau đó, một loạt các cuộc tuần hành và đốt nến cầu nguyện ủng hộ Đức Karmapa đã diễn ra khắp những nơi có cộng đồng người Tạng sinh sống tại Ấn Độ.
Đức Karmapa sau đó xuất hiện trước người ủng hộ và bảo họ đừng lo lắng vì Ấn Độ là đất nước tự do, có Luật Pháp rõ ràng, Ngài cũng chấp thuận theo sự điều tra của họ.
Và hôm qua, sau hơn nửa tháng điều tra, chính quyền bang Himachal Pradesh đã trả lại sự minh bạch cho Ngài. Bà Rajwant Sandhu, tổng thư ký của bang, tuyên bố: “Đức Karmapa là vị lãnh đạo tinh thần đáng kính của cộng đồng Phật giáo và chính quyền không có ý định can thiệp vào cộng việc việc của họ.” “Đã không có bất cứ hành động nào chống lại đức Karmapa và không có lý do nào để tin rằng Ngài có sự liên hệ (với chính quyền Trung Quốc) từ số ngoại tệ hơn 8 crore”, bà nói thêm.
Quả thật, đây là tin mừng của cộng đồng ngươi Tây Tạng nói riêng, và cộng đồng Phật giáo khắp nơi trên thế giới nói chung.
Tưởng cũng cần nhắc lại là dòng Karmapa là một nhánh của đại phái Kagyudpa (Ca Nhĩ Cư) với vị Karmapa nổi tiếng đầu tiên là Karmapa Dsum Khyenpa (1110-1193)  và các hoá thân được tiếp nối đến Ngài Urgyen Trinley Dorje là vị thứ 17. Tháng 01-2011 vừa rồi, cộng đồng Phật giáo Tây Tạng đã tổ chức đại lễ tại Bồ Đề Đạo Tràng để tưởng niệm tròn 900 năm từ Ngài Karmapa đệ nhất.
Đức Karmapa 17 sinh năm 1985. Ngài được làm lễ Quán Đảnh, chính thức được Đức Dalai Lama và cộng đồng người Tạng công nhận là hoá thân thứ 17 của dòng Karmapa vào ngày 27-09-1992 , tại tu viện Tolung Surphu. Ngài, sau đó, được đào tạo bài bản để lãnh đạo giáo phái.
Vào ngày 28-12-1999, bất mãn trước sự ngang ngược của chính quyền Trung Quốc,  Ngài đã đào thoát khỏi Tây Tạng và đến được Dharamsala, thủ đô tỵ nạn của cộng đồng người Tạng tại Ấn Độ,  sau hơn một tuần băng rừng, trèo đèo lội suối.


Từ đó đến nay, Ngài hưởng quy chế tỵ nạn và được sự bảo vệ an ninh của chính phủ Ấn. Ngài hiện là nhà lãnh đạo tinh thần đứng thứ 2, sau Đức Dalai Lama, của cộng đồng người Tây Tạng.
Việc trả lại sự thanh bạch cho Ngài đã làm cộng đồng người Tây Tạng nức lòng bởi không có gì bất mãn bằng những người đứng đầu trong một tổ chức làm gián điệp cho một quốc gia khác. Người Đài Loan mới đây đã thật sự bất mãn khi một viên tướng cao cấp xứ Đài, thiếu tướng La Hiền Triết-chỉ huy trưởng Cục Thông tin điện tử thuộc Bộ Chỉ Huy nước này, đã  bị cáo buộc làm tình báo cho Trung Quốc, sau khi bị mua chuộc cả tiền bạc lẫn “mỹ nhân kế” từ năm 2004.
Sau sự kiện này, chính phủ Ấn Độ củng cố hơn niềm tin nơi Đức Karmapa và cộng đồng người Tây Tạng càng hoan hỷ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ngài.

-->Đọc thêm...