February 12, 2011

Đức Karmapa 17 được trả lại sự trong sạch



Chính quyền bang Himachal Pradesh, Ấn Độ, hôm qua, 11-02-2011, đã trả lại sự trong sạch cho Đức Karmapa sau khi nghi Ngài là gián điệp của chính quyền Trung Quốc.


Câu chuyện được bắt đầu từ nửa tháng trước, cảnh sát đã phát hiện tại tu viện Ngài đang tịnh tu, tu viện Gyuto Tantric , Dharamsala, số tiền lớn gồm nhiều ngoại tệ khác nhau lên đến 8 crore Rupees, tương đương 1.8 triệu Mỹ kim. Đặc biệt, trong số ngoại tệ này có đồng Nhân Dân tệ của Trung Quốc chiếm 2.6 crore.  Từ việc phát hiện này cộng với mối lo ngại vốn có từ lâu là Ngài dính líu đến chính quyền Bắc Kinh, nên cảnh sát bang Himachal Pradesh đã tịch thu số tiền trên và cho đóng băng tất cả tài khoản của các quỹ do Đức Karmapa đứng đầu để tiến hành điều tra.
Chính quyền bang Himachal Pradesh nghi ngờ rằng Bắc Kinh tài trợ cho Đức Karmapa để Ngài xây dựng các tu viện dọc theo biên giới Trung-Ấn, trải dài từ Ladakh đến Anuchal Pradesh hầu làm gián điệp giúp họ kiểm soát khu vực này. Họ cũng nghi ngờ cả việc Ngài đào thoát khỏi Tây Tạng rồi đến Dharamsala năm 2000 là có sự “sắp xếp” của chính quyền Bắc Kinh.
Đức Dalai Lama sau đó cho rằng số tiền này do Phật tử khắp nơi trên thế giới hiến cúng, và trong số đó có đồng Nhân Dân tệ là do Ngài Karmapa có nhiều đệ tử người Hoa.
Văn phòng Ngài Karmapa cũng khẳng định số tiền này do các đệ tử của Ngài hiến cúng để xây dựng các tu viện tại Dharamsala.
Sau đó, một loạt các cuộc tuần hành và đốt nến cầu nguyện ủng hộ Đức Karmapa đã diễn ra khắp những nơi có cộng đồng người Tạng sinh sống tại Ấn Độ.
Đức Karmapa sau đó xuất hiện trước người ủng hộ và bảo họ đừng lo lắng vì Ấn Độ là đất nước tự do, có Luật Pháp rõ ràng, Ngài cũng chấp thuận theo sự điều tra của họ.
Và hôm qua, sau hơn nửa tháng điều tra, chính quyền bang Himachal Pradesh đã trả lại sự minh bạch cho Ngài. Bà Rajwant Sandhu, tổng thư ký của bang, tuyên bố: “Đức Karmapa là vị lãnh đạo tinh thần đáng kính của cộng đồng Phật giáo và chính quyền không có ý định can thiệp vào cộng việc việc của họ.” “Đã không có bất cứ hành động nào chống lại đức Karmapa và không có lý do nào để tin rằng Ngài có sự liên hệ (với chính quyền Trung Quốc) từ số ngoại tệ hơn 8 crore”, bà nói thêm.
Quả thật, đây là tin mừng của cộng đồng ngươi Tây Tạng nói riêng, và cộng đồng Phật giáo khắp nơi trên thế giới nói chung.
Tưởng cũng cần nhắc lại là dòng Karmapa là một nhánh của đại phái Kagyudpa (Ca Nhĩ Cư) với vị Karmapa nổi tiếng đầu tiên là Karmapa Dsum Khyenpa (1110-1193)  và các hoá thân được tiếp nối đến Ngài Urgyen Trinley Dorje là vị thứ 17. Tháng 01-2011 vừa rồi, cộng đồng Phật giáo Tây Tạng đã tổ chức đại lễ tại Bồ Đề Đạo Tràng để tưởng niệm tròn 900 năm từ Ngài Karmapa đệ nhất.
Đức Karmapa 17 sinh năm 1985. Ngài được làm lễ Quán Đảnh, chính thức được Đức Dalai Lama và cộng đồng người Tạng công nhận là hoá thân thứ 17 của dòng Karmapa vào ngày 27-09-1992 , tại tu viện Tolung Surphu. Ngài, sau đó, được đào tạo bài bản để lãnh đạo giáo phái.
Vào ngày 28-12-1999, bất mãn trước sự ngang ngược của chính quyền Trung Quốc,  Ngài đã đào thoát khỏi Tây Tạng và đến được Dharamsala, thủ đô tỵ nạn của cộng đồng người Tạng tại Ấn Độ,  sau hơn một tuần băng rừng, trèo đèo lội suối.


Từ đó đến nay, Ngài hưởng quy chế tỵ nạn và được sự bảo vệ an ninh của chính phủ Ấn. Ngài hiện là nhà lãnh đạo tinh thần đứng thứ 2, sau Đức Dalai Lama, của cộng đồng người Tây Tạng.
Việc trả lại sự thanh bạch cho Ngài đã làm cộng đồng người Tây Tạng nức lòng bởi không có gì bất mãn bằng những người đứng đầu trong một tổ chức làm gián điệp cho một quốc gia khác. Người Đài Loan mới đây đã thật sự bất mãn khi một viên tướng cao cấp xứ Đài, thiếu tướng La Hiền Triết-chỉ huy trưởng Cục Thông tin điện tử thuộc Bộ Chỉ Huy nước này, đã  bị cáo buộc làm tình báo cho Trung Quốc, sau khi bị mua chuộc cả tiền bạc lẫn “mỹ nhân kế” từ năm 2004.
Sau sự kiện này, chính phủ Ấn Độ củng cố hơn niềm tin nơi Đức Karmapa và cộng đồng người Tây Tạng càng hoan hỷ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ngài.

-->Đọc thêm...