March 18, 2011

Khánh thành tượng Phật cao nhất Ấn Độ



Hôm 16-03, tại Thai Buddha vihar, Varanasi, tôn tượng Đức Phật cao nhất Ấn Độ đã được khánh thành.Buổi lễ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm với cuộc diễu hành của chư Tăng, Phật tử hòa cùng âm điệu âm nhạc truyền thống  của hai nước Thái Lan và Ấn Độ.
Cựu thủ tướng Thái Surayud Chunalot và cựu quản trị viên của Lord Abbot Wat Dharma Suthi đã làm lễ vén màn tôn tượng. Sau lễ tụng kinh gia trì của chư Tăng, Cựu thủ tướng Thái phát biểu: “Tôi cho rằng Ấn Độ là thành trì văn minh cổ đại và (việc khánh thành) tôn tượng Đức Phật đứng này sẽ nuôi dưỡng sự hiểu biết hơn nữa và trao đổi tình hữu nghị giữa hai dân tộc.”
Ông cũng cho rằng việc khánh thành tôn tượng sẽ thúc đẩy hơn nữa sự thắt chặt lịch sử của hai quốc gia bên cạnh việc đẩy mạnh giao lưu văn hóa.
Được biết, tôn tượng Đức Phật đứng bằng sa thạch này cao 80 feet (khoảng 24 m) tọa lạc trong khuôn viên rộng 2.5 mẫu Anh (hơn 1 ha) của Thai Buddha Vihar, Sarnath, được cho là cao nhất tại Ấn hiện nay.



Ý tưởng về việc xây dựng tôn tượng tại nơi Đức Phật chuyển Pháp Luân đầu tiên này đã được hình thành từ năm 1970, nhưng mãi đến năm  1997, công trình mới được tiến hành. Công trình đã bị gián đoạn 3 năm do thiếu hụt tài chính, tổng kinh phí của công trình là 2 crore Rupees (khoảng nửa triệu Mỹ kim).
Nghệ thuật, kiến trúc tôn tượng được mô phỏng theo tượng Phật đứng được tạc vào thế kỷ thứ IV CE, thuộc trường phái Mathura.

Tượng Phật đứng thuộc trường phái Mathura, thế kỷ IV CE

Tưởng cũng cần nói thêm là, nếu theo sự ghi chép trong kinh điển thì tượng  Phật đầu tiên đã có từ thời Đức Phật còn tại thế. Theo truyền thuyết,  trong thời gian Đức Phật lên cung trời Đao-lợi thuyết pháp, “buồn rầu vì sự vắng mặt của Ngài, đức vua Udayana đặt làm một bức tượng từ gỗ đàn hương, mà ông tặng cho Đức Phật khi Ngài trở về”. Nếu còn thì đó là pho tượng Phật đầu tiên trong lịch sử tạo hình Phật giáo, tuy vậy, khi về lại trần gian, Đức Phật không chấp nhận nó. 
Do truyền thuyết Đức Phật không chấp nhận tượng Phật bằng gỗ đàn hương của vua Udayana mà mà tình trạng không có tượng Phật kéo dài đến thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Trong thời kỳ này, hình thức thờ phượng chủ yếu là tháp (stūpa) và những biểu tượng. Từ thế kỷ thứ I BCE,  thì tượng Phật trong hình dáng con người mới bắt đầu xuất hiện. Tượng Phật từ đó đã trở thành trọng tâm tín ngưỡng với hai trường phái tạo hình tượng Phật sớm nhất là Mathura, tọa lạc tại Trung Ấn, và Gandhara, nay thuộc Pakistan và Afganistan.

Tượng Phật thuộc trường phái Gandhara

Trường phái Gandhara điêu khắc hình tượng của Đức Phật bằng những nét thanh tú, rất gần với những vị thần của Hi Lạp với cách choàng y sống động theo truyền thống Hi-La, tóc gợn sóng và bó thành búi. Trong khi đó, trường phái Mathura khắc hoạ hình dáng đức Phật gần với những vị thần thánh thuộc văn hoá bản địa Ấn, tròn trịa, sung túc, với tóc cuộn xoắn, y hở vai phải và phủ kín những thân phần dưới. Dưới triều đại Gupta (320-550 CE), phong cách tượng của trường phái Mathura được tinh lọc lại với những nét mạnh mẽ, tinh tế và trơn nhẵn.

Tượng Phật chuyển Pháp Luân, trường phái Mathura, dưới triêu Gupta

Các nhà khảo cổ cho rằng, những tượng Phật đầu tiên thuộc về trường phái Mathura. Về mặt khảo cổ,  ảnh tượng đầu tiên của Đức Phật được tìm thấy trên đồng tiền, niên đại 100 CE, dưới triều đại vua Kanishka (Ca-nị-sắc-ca). Đồng tiền này mô tả Đức Phật trong tư thế đứng, được khắc chạm theo trường phái Gandhara, bên cạnh là chữ “Boddo”, thuộc ngôn ngữ Bactria.
Việc khánh thành tượng Phật cao nhất Ấn Độ mang đậm phong cách bản địa Ấn này chắc chắn sẽ  tạo thêm sự thiêng liêng, sống động tại nơi Thánh địa lần đầu tiên Đức Phật chuyển Pháp Luân.

Đồng tiền niên đại TK I CE, triều vua Kaniska







-->Đọc thêm...