May 12, 2011

Lá Thư Mùa Phật Đản



Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni,
Kính thưa thiện hữu tri thức, nhân sĩ và quý Phật tử xa gần,
Cứ mọi độ tháng Vesak của Ấn Độ, trời đất ấm áp, vạn vật sinh sôi nảy nở, cũng là lúc hàng triệu người con Phật trên khắp năm châu bốn bể hân hoan, kính mừng ngày Đản Sanh của Đức Từ Phụ. Sự ra đời của Ngài vì bản hoài cứu độ chúng sanh, đem lại an lạc, hoà bình cho thế giới:
Này các Tỳ kheo, có một người xuất hiện ở đời, xuất hiện vì an lạc của số đông, xuất hiện vì lòng thương tưởng đời, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người. Người ấy là ai? Đó là Như Lai, bậc A La Hán, Chánh Dẳng Giác.”[1]
Thật vậy, cuộc đời của Ngài chính là minh chứng hùng hồn cho lời tuyên bố ấy. Trải qua 49 năm du hoá khắp cõi Bắc Ấn, bằng những lời dạy đầy nhân bản, trí tuệ và từ bi, Ngài đã đem lại sự an lạc cho vô số trời người, thiết lập sự bình đẳng xã hội, mang đến những giá trị đạo đức cao thượng và hoà bình cho nhân loại.
Đức Phật là hiện thân của hòa bình; đặc trưng giáo Pháp của Ngài là chân lý về Bất bạo động đối với vạn vật sinh linh. Cuộc đời của Thế Tôn hài hòa, gắn liền với thiên nhiên. Ngài Đản Sanh dưới cây Vô Ưu, chứng sơ thiền dưới cây Diêm-phù-đề khi còn niên thiếu, tu khổ hạnh 6 năm dưới những tán cây rừng, Thành Đạo dưới cội Bồ-đề, an cư 22 năm tại tinh xá Rừng Trúc và 24 năm tại tinh xá vườn cây Kỳ-đà và cuối cùng nhập Niết Bàn dưới rừng cây Ta La. Giáo Pháp của Ngài là giáo lý của Bất bạo động (ahiṃsā) khi những lời dạy ấy, nếu được thực hành sẽ đem lại nội tâm an bình, định tĩnh. Giáo Pháp ấy khuyên hành giả thực hành mọi ngôn từ và hành xử không tổn hại đến sinh linh, môi trường, dù là hành động nhỏ nhất như bẻ cành hay vứt những thức ăn thừa lên thảm cỏ. Ngài khuyên đệ tử phải mang đãy lọc nước bên mình để lọc những sinh vật nhỏ bé trước khi uống; hay trước khi bước chân đi phải niệm chú hầu duy trì chánh niệm tránh không giẫm đạp sinh vật hoặc nếu lỡ giẫm đạp thì cầu nguyện chúng sanh ấy được sanh về thế giới an lành.
Tiếp nối những lời dạy minh triết của Ngài, chư lịch đại Tổ Sư đã đưa đạo Phật thích ứng với lịch sử và xã hội của từng xứ sở và tích cực xây dựng các xứ sở đó. Tăng sĩ giữ vai trò quan trọng của bậc mô phạm đối với vua chúa cũng như dân chúng. Dưới triều đại Ashoka của Ấn Độ, Đường ở Trung Hoa, Nại Lương ở Nhật Bản, Lý-Trần ở Việt Nam, Đạo Phật đã bước vào thời kỳ cực thịnh và có những đóng góp vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực từ tư tưởng, tâm linh đến văn hóa, văn học, đời sống xã hội, v.v.
Thưa quý vị,
Từ những năm đầu của thế kỷ 21 đến nay, thế giới chúng ta đã và đang chịu nhiêu tai ách, thảm họa từ thiên tai, động đất, sóng thần, chiến tranh, khủng bố, bạo hành,… xảy ra khắp nơi. Điều đó chứng tỏ hành tinh chúng ta đang sống có nhiều điều bất an mà trong đó đa phần là do tâm lý, hành vi của con người được sai sử bởi lòng vị kỷ, tham dục gây ra. Chúng ta đã phóng chiếu những độc tố tham lam, sân hận, si mê, hành vi vị ngã lên môi trường và ngay cả với đồng loại của mình.
Vừa rồi, cả nhân loại không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến thảm họa xảy ra với nhân dân Nhật Bản. Những con sóng thần cao hơn 10 m, kèm theo động đất mạnh 9 độ ritcher tàn phá thành phố, làng mạc, cướp đi sinh mạng của hơn 26 ngàn người, thiệt hại ít nhất 200 tỷ Mỹ kim đã để lại nỗi đau thương, tang tóc cho dân Nhật và thương tâm cho cả nhân loại. Những thảm họa ấy nhắc nhở chúng ta rằng bà mẹ Trái Đất đang kiệt quệ, quằn quại đau đớn mà phần lớn là do những đứa con của mình ngày đêm ra sức bóc lột, khai thác tài nguyên, thải một cách vô tội vạ thán khí vào môi trường. Mặt khác, tình trạng bạo lực, chiến tranh xảy ra tại Bắc Phi, Trung Đông và khắp nơi do nạn lạm quyền, độc tài khiến người dân tại những nơi đó lầm than, đau khổ. Trong khi đó, một tỷ người trên khắp hành tinh đã, đang và có nguy cơ bị thiếu đói…
Vì thế, hơn bao giờ hết, bức thông điệp Từ Bi, Trí Tuệ, Bất Bạo Động của Đức Phật cần phải được soi sáng và thực thi trong từng gia đình và mỗi cá nhân. Mỗi người cần phải trở về với chính mình, soi sáng, nhận diện và chuyển hóa mọi khổ đau. Đồng thời, chúng ta gởi những năng lượng yêu thương và trí tuệ cho người thân và xã hội, tích cực xây dựng một thế giới vắng bóng hận thù, ích kỷ, ngập tràn an lạc. Chúng ta cần thực hiện tinh thần tri túc và bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ nhất như cúp những bóng điện không cần thiết, tiết kiệm việc sử dụng nước, nhặt rác thải, trồng nhiều cây xanh xung quanh mình,v.v.
Cầu nguyện hương linh của những nạn nhân trong các thảm họa sanh về cảnh giới an lành. Ước mong Qúy vị, và tất cả chúng sanh sống an bình và hạnh phúc trong ánh hào quang Từ Bi và Trí Tuệ của đức Từ Phụ nhân mùa Đản Sanh của Ngài.



[1] Kinh Tăng Chi I, Hội Kinh Tạng Pāli, London, 1989, tr. 14-15.
-->Đọc thêm...